Theo Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia, OPEC và các quốc gia đối tác có thể sẽ ngừng cắt sản lượng dầu mỏ vào năm tới sau khi thỏa thuận hiện hành kết thúc vào cuối năm nay.
Theo thỏa thuận hiện hành giữa OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, sản lượng dầu mỏ của các quốc gia này đang được cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày đến cuối năm nay nhằm ổn định giá dầu thô trên thị trường quốc tế.
Trong thời gian qua, thỏa thuận này đã góp phần hỗ trợ cho giá dầu thô phục hồi trở lại từ mức thấp kỷ lục khoảng 30USD/thùng. Kết thúc tuần giao dịch này, giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 67,07 USD/thùng, trong khi giá dầu thô nhẹ ngọt WTI đóng cửa ở mức 63,56USD/thùng.
Tuy nhiên, ông Khalid al- Falih, Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia cho rằng, thỏa thuận nói trên có thể sẽ không được OPEC và các quốc gia có liên quan gia hạn vào năm tới.
“Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và một khi chúng tôi biết được yếu tố nào góp phần cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới, thì chúng tôi sẽ công bố giải pháp tiếp theo. Giải pháp này có thể sẽ ngừng hoặc hạn chế cắt giảm sản lượng dầu mỏ”, ông Khalid al- Falih cho biết tại một Hội nghị tổ chức ở New Delhi.
Giới chuyên gia cho rằng, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang ngày càng gia tăng. Nếu OPEC không duy trì cắt giảm sản lượng dầu mỏ hoặc có giải pháp khác, thì giá dầu thô sẽ nhanh chóng quay đầu giảm trở lại.
Ông Khalid al- Falih cho biết, Saudi Arabia luôn tuân thủ quy định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC và hiện đang xuất khẩu trung bình khoảng 7 triệu thùng/ngày mặc dù Saudi Arabia đang là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, ông Khalid al- Falih cho biết thêm, công ty dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia đã ký thỏa thuận sơ bộ để đầu tư vào nhà máy lọc dầu West Coast của Ấn Độ để nâng công suất lên khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Aramco cũng đang tìm kiếm mua cổ phần của các nhà máy lọc dầu lớn khác ở Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Khalid al- Falih cho biết, Saudi Arabia cũng đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận cung ứng dầu mỏ với Ấn Độ, đây là chiến lược nhằm mở rộng thị phần của Saudi Arabia ở châu Á.
Năm ngoái, Saudi Arabia cũng đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án lọc dầu ở Indonesia và Malaysia để đảm bảo nguồn cung ứng dầu mỏ ổn định trong dài hạn.