Chỉ còn khoảng hai ngày cho những nỗ lực của Oracle và TikTok đàm phán về một thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng có vẻ “Nhân tố X” của thương vụ đang khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn...
Khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang rạn nứt, số phận của ứng dụng video thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, trở nên không chắc chắn hơn bao giờ hết.
Trong những tuần gần đây, các quan chức chính phủ Mỹ đã liên tục tuyên bố rằng TikTok là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ “cấm tiệt” ứng dụng này trừ khi một công ty Mỹ nắm quyền kiểm soát các hoạt động.
Và đã không còn là đe dọa. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, họ sẽ ban hành lệnh cấm người dân ở nước này tải xuống ứng dụng nhắn tin WeChat và ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu bắt đầu từ ngày 20 tháng 9.
Theo đó, nếu chủ sở hữu của TikTok là ByteDance không thể chạy đua cho một “thỏa thuận hợp lý” với một công ty Mỹ nào đó thì chắc chắn nó sẽ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ.
Một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ đang được ByteDance “chọn mặt gửi vàng”, rất có thể sẽ là Oracle và Walmart. Trong khi, Oracle sẽ là đối tác chính còn Walmart có thể vẫn còn một “miếng bánh nhỏ”.
Đâu là thông tin mới nhất?
Theo nguồn tin mới nhất từ Reuters, có thể Oracle sẽ là đối tác kinh doanh của TikTok tại Mỹ, nhưng thỏa thuận được đề xuất giữa Oracle và ByteDance đang khiến Donald Trump cảm thấy “không hợp lý”.
Oracle cho biết họ đã đệ trình một đề xuất lên Bộ Tài chính Mỹ vào đầu tuần này cho việc hợp tác với TikTok. Nhưng các công ty vẫn chưa nhận được cái gật đầu từ Trump hoặc Bắc Kinh, điều đó có nghĩa là câu chuyện còn lâu mới kết thúc.
Theo thỏa thuận, ByteDance sẽ tiếp tục là cổ đông lớn nhất của TikTok. Ứng dụng này sẽ đặt trụ sở chính tại Hoa Kỳ, trong khi Oracle sẽ lưu trữ dữ liệu người dùng của TikTok và xem xét mã của TikTok để bảo mật.
Tuy nhiên, đó là vấn đề mà Donald Trump “không hài lòng”, ông nói rằng, sẽ phản đối thỏa thuận này nếu ByteDance vẫn chiếm quyền kiểm soát đa số.
"Về mặt khái niệm, tôi có thể nói với bạn rằng tôi không thích điều đó và tôi không sẵn sàng ký bất cứ điều gì”, Trump trả lời phóng viên vào hôm thứ tư vừa qua.
Vai trò của Trump là gì?
Đơn giản là Donald Trump đã tự định vị mình là “người quyết định” bất kỳ giao dịch nào trên TikTok. Trump cũng nêu rõ rằng, bất kỳ điều gì trước khi được đưa ra chính thức, phải được sự đồng ý của ông.
Điều này có vẻ bất thường!
Trong khi các chính phủ thường xem xét các giao dịch đang chờ xử lý để bảo vệ người tiêu dùng khỏi quyền lực độc quyền và thường cân nhắc đến an ninh quốc gia khi một vụ M&A được công bố, sự tham gia sâu của Trump ở thương vụ này là một sự khác biệt rõ ràng so với cách các giao dịch thông thường được hoàn thành.
Dipayan Ghosh, đồng giám đốc Dự án Nền tảng Kỹ thuật số và Dân chủ tại Trường Harvard Kennedy, cho biết: "Cuối cùng, Trump là nhân tố X, bất cứ điều gì ông ấy muốn sẽ xảy ra, bất kể giá trị của bộ chính sách liên quan nằm trong đề xuất".
Trump trước đây đã nói rằng bất kỳ công ty nào sử dụng TikTok đều phải thanh toán cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ như một dấu hiệu cảm ơn. Không rõ liệu Trump có thẩm quyền pháp lý để bắt buộc một yêu cầu như vậy hay không, một điều chưa từng thấy.
Một cuộc chiến mới nổ ra?
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát TikTok ở Mỹ đã vượt ra ngoài phạm vi của một mạng xã hội, những lo ngại về an ninh và người chịu trách nhiệm chính. Và có thể, hậu quả địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng xa cách dưới thời Donald Trump.
Trong một thời gian dài, trọng tâm là cuộc chiến thương mại với việc cả hai bên áp thuế hàng trăm tỷ USD lên nhau. Nhưng trong hai năm qua, cuộc chiến công nghệ cũng đang trở thành một lĩnh vực tranh cãi lớn.
Chính phủ Mỹ đã tiến hành một chiến dịch dài hơi chống lại Huawei của Trung Quốc, công ty sản xuất điện thoại thông minh và là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng không dây 5G. Và gần đây, áp lực đang được đè lên TikTok cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat, thuộc sở hữu của Tencent của Trung Quốc.
Deutsche Bank đã ước tính rằng sự gián đoạn cung và cầu, cùng với việc xây dựng một "bức tường công nghệ" buộc các công ty phải tạo ra hai bộ tiêu chuẩn cho Mỹ và Trung Quốc, điều này có thể khiến các công ty thiệt hại 3,5 nghìn tỷ đô la trong 5 năm tới.
Có một điều người ta dễ dàng nhận ra trong “cuộc chiến về TikTok” là việc, tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung và các quy tắc mới mà các doanh nghiệp buộc phải điều hướng khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng leo thang và không có điểm dừng.
Mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn cũng đang bị đe dọa vào một thời điểm mong manh sau cú sốc lịch sử từ đại dịch. Trong một báo cáo được công bố vào giữa tháng 9, công ty tư vấn Rhodium Group nhận thấy rằng đầu tư Mỹ-Trung đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua khi căng thẳng gia tăng.
Có thể bạn quan tâm
“Bàn tay Trump” đạo diễn thương vụ Oracle và TikTok?
05:42, 16/09/2020
Cuộc “hôn nhân gượng” giữa TikTok và Oracle
15:00, 15/09/2020
TikTok xác nhận đã gửi đề xuất lên chính quyền Mỹ
15:10, 15/09/2020
"Bố già" làng công nghệ Larry Ellison - chủ công ty vừa mua lại TikTok là ai?
03:00, 15/09/2020
Châu Á và sự "chia rẽ" trong quan điểm đối với TikTok
04:52, 14/09/2020