PAP gặp khó

HÀ PHƯƠNG 12/07/2024 16:00

Dù có nhiều tiềm năng trong dài hạn, nhưng thua lỗ liên tục khiến Công ty Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An (UPCoM:PAP) không có nhiều động lực tăng trưởng.

>>>Hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng tăng mạnh hai con số

Tính đến hết quý I/2024, tổng lỗ luỹ kế của PAP đã lên tới 15,41 tỷ đồng, bằng 0,77% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng).

Liên tục chào bán cổ phiếu

Dù doanh thu và lợi nhuận của PAP chưa cải thiện, nhưng kể từ năm 2016, PAP liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Năm 2016, PAP phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017 PAP tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021 doanh nghiệp này tiếp tục phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Và năm 2022, PAP chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói là năm 2015, cổ đông Nhà nước Petrovietnam sở hữu 79,54% vốn điều lệ của PAP. Trải qua 4 lần tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, số cổ phiếu PAP mà Petrovietnam sở hữu vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu của Petrovietnam tại PAP đã giảm từ 79,54% xuống chỉ còn 17,5% vốn điều lệ. Và quyền chi phối Công ty này đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.

Vừa qua, HĐQT của PAP lại quyết định tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng, tương ứng chào bán 38 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Với giá đóng cửa ngày 11/7 là 26.300 đồng/cổ phiếu, ước tính giá cổ phiếu mà Công ty chào bán riêng lẻ sẽ thấp hơn 54% so với giá thị trường.

>>>Nhiều cổ phiếu có nguy cơ giảm mạnh

Trước đó vào ngày 23/06/2023, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của PAP đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 38 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, giá chào bán tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tại Báo cáo thường niên năm 2023 (công bố tháng 3/2024), PAP cho biết đã tạm dừng triển khai hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Do vâỵ, việc nộp hồ sơ mới để tiếp tục triển khai đợt chào bán cổ phiếu sẽ được thực hiện lại sau khi HĐQT quyết định phù hợp với nhu cầu vốn và tình hình hoạt động.

Thách thức tăng trưởng

Theo quy hoạch phát triển cảng biển định hướng tới năm 2030 của Bộ Giao Thông Vận tải, các cảng thuộc khu vực sông Sài Gòn sẽ không được cấp phép mở rộng hoặc phải di dời, điều này sẽ giúp các cảng tại khu vực Đồng Nai dần chiếm được thị phần trong khu vực. Agriseco Research cho rằng quỹ đất để triển khai dự án của PAP là rất lớn, giúp công ty có thể đạt tới nguồn cung không thua kém những siêu dự án cảng trong khu vực như Gemalink, SSIT.

kinh doanh thua lỗ, PAP cho biết do các dự án của PAP đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động nên chưa ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kinh doanh thua lỗ, PAP cho biết do các dự án của PAP đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động nên chưa ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Agriseco Research đánh giá cao quy hoạch cảng Phước An do đây là một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hệ thống cảng biển hiện tại của tỉnh Đồng Nai chủ yếu là các cảng chuyên dụng, có quy mô nhỏ lẻ. Khi con đường huyết mạnh nối đường vào Cảng Phước An với các khu công nghiệp Nhơn Trạch được hoàn thành, khu logistics của PAP sẽ là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp do nhu cầu với các kho chứa/phân phối hàng trong khu vực là rất lớn.

Dù có nhiều tiềm năng trong dài hạn, nhưng PAP đang gặp nhiều khó khăn. Theo Báo cáo tài chính 5 năm gần đây, PAP vẫn chưa tạo ra doanh thu mà chỉ đang đơn thuần ghi nhận lãi dựa trên cổ tức của công ty con.

Kể từ quý IV/2020 đến quý I/2024, PAP liên tục duy trì kinh doanh thua lỗ. Trong quý I/2024, PAP tiếp tục không ghi nhận doanh thu, và lỗ thêm 1,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,48 tỷ đồng. Lý giải việc kinh doanh thua lỗ, PAP cho biết do các dự án của PAP đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động nên chưa ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù tính đến nay PAP đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi hoàn thành giải phóng mặt bằng khu trung tâm logistics và phần đất làm đường cao tốc, nhưng sau đó vẫn còn rất nhiều việc cần làm, như xây dựng cơ bản và mở rộng hệ thống kết nối với các hãng tàu và khách hàng.

Trong những năm gần đây, công ty đã tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ để phục vụ mục đích đền bù giải phóng mặt bằng. Có thể nói, với năng lực tài chính hiện tại của mình, PAP sẽ khó có thể triển khai đồng bộ cùng lúc nhiều dự án (cầu đường, trung tâm logistics và cảng). Do vậy, thách thức về tăng trưởng đang là bài toán lớn đặt ra với PAP, dù doanh nghiệp này có nhiều lợi thế ở khu vực Đồng Nai.

15,41 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của PAP tính đến cuối quý I/2024, tương đương 0,77% vốn điều lệ của PAP.

Có thể bạn quan tâm

  • KCN cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh): Điểm sáng thu hút vốn FDI

    KCN cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh): Điểm sáng thu hút vốn FDI

    18:24, 13/06/2024

  • Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

    Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?

    04:30, 25/05/2024

  • Cảng Cái Mép – Thị Vải: Ưu tiên doanh nghiệp xây dựng cảng biển

    Cảng Cái Mép – Thị Vải: Ưu tiên doanh nghiệp xây dựng cảng biển

    04:30, 20/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PAP gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO