Theo khảo sát PAPI 2017, mặc dù mức độ hài lòng với những gì tiếp cận được qua cổng thông tin điện tử khá cao, nhưng có rất ít người tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương.
Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2017 (PAPI) cho thấy một bức tranh đa sắc. Mặc dù mức độ hài lòng với những gì tiếp cận được qua cổng thông tin điện tử khá cao, nhưng có rất ít người tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương.
Ở ba nhóm thủ tục hành chính PAPI đo lường (chứng thực, xác nhận; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân), tỉ lệ sử dụng cổng thông tin điện tử chỉ khoảng dưới 10%. Riêng thủ tục cấp phép xây dựng, tỉ lệ sử dụng cổng thông tin điện tử để tìm hiểu là 16%. Việc sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền cũng phụ thuộc nhiều vào trình độ học vấn và điều kiện sử dụng Internet: nhóm người có trình độ học vấn cao hơn và nhóm người sử dụng Internet có xu hướng sử dụng cổng thông tin điện tử nhiều hơn so với các nhóm còn lại.
Có thể bạn quan tâm |
Kết quả phân tích về loại thông tin người dân tìm kiếm cho thấy những người tìm kiếm thông tin thuộc lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, bảo hiểm y tế chiếm đa số. Tuy nhiên, đa số người dân chưa biết đến Luật Tiếp cận thông tin (trên toàn quốc chỉ có 9,3% biết đến luật này). Ngay trong số ít ỏi người đã tìm kiếm thông tin về chính sách, pháp luật của nhà nước (12%), chỉ có một phần ba biết đến Luật Tiếp cận thông tin.
ThS Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho biết, hiện việc công bố thông tin liên quan thu chi ngân sách vẫn chưa được các địa phương chú trọng, người dân vẫn không nắm bắt được những thông tin thiết yếu này. "Điều này cho thấy việc công khai thông tin chứ chưa nói đến minh bạch thông tin được đảm bảo, đây là quyền lợi của người dân" - ThS Huyền cho biết.
Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận trong thời qua, Việt Nam đã có những chuyển mình nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch trong đáp ứng thông tin cho người dân. “Việt Nam đã và đang thúc đẩy công khai, minh bạch và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân trong cung ứng dịch vụ công thông qua việc đầu tư xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử, qua đó cung cấp thông tin về quy trình, thủ tục cung ứng dịch vụ công cho người dân” – TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc CECODES, Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI.
Đặc biệt trong 2016, Quốc hội đã phê chuẩn ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước công khai, minh bạch, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân. Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ tháng 7 năm 2018 tạo điều kiện cho công dân tiếp cận với nhiều loại thông tin, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước như liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Những thông tin chính quyền có nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp cho công dân rất đa dạng, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, thu chi ngân sách, thủ tục hành chính có tác động trực tiếp tới đời sống của công dân.
Kết quả trên cho thấy Luật Tiếp cận thông tin chưa được phổ biến rộng rãi tới những người cần thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, mặc dù đầu tư nhiều cho chính phủ điện tử, chính quyền các cấp cần tiếp tục đa dạng hóa kênh thông tin để mọi người dân với điều kiện học vấn và sinh kế đa dạng có thể tiếp cận thông tin.
Cũng cần ghi nhận đầu tư cho các cổng thông tin điện tử không hề lãng phí. Một khi trình độ học vấn ngày càng cao, độ phủ Intrnet càng rộng, những cổng thông tin điện tử của chính quyền sẽ phát huy tác dụng.