Đã gần một tháng kể từ khi Phong trào toàn dân mặc áo vàng xuống đường (Gilets Jaunes) để phản đối các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron, Paris không còn là kinh đô ánh sáng…
Vụ bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất ở Pháp trong vài thập kỷ gần đây, đã biến khu vực trung tâm thủ đô Paris thành bãi chiến trường, khi những người biểu tình "áo vàng" phóng hỏa xe cộ, đập vỡ cửa sổ, cướp bóc cửa hàng và xịt sơn lên Khải Hoàn Môn.
Các cuộc biểu tình biến thành bạo động vào khoảng 10 giờ sáng ngày 8/12 (giờ địa phương). Cảnh sát chống bạo động Pháp xảy ra đụng độ với người biểu tình trong phong trào "áo vàng" gần đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris trong lúc những người này đang thực hiện cuộc tuần hành phản đối Tổng thống Emmanuel Macron. Những người biểu tình còn hô vang câu khẩu hiệu "Macron, hãy từ chức".
Có thể bạn quan tâm
06:00, 06/12/2018
15:15, 23/06/2017
13:14, 22/06/2017
Đến ngày 8/12, căng thẳng dường như đã lên đến đỉnh điểm. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay để đẩy lùi hàng trăm người biểu tình xung quanh các cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysees và Khải Hoàn Môn. Không chỉ có cảnh sát, chính phủ còn triển khai nhiều xe bọc thép thuộc lực lượng cảnh sát quân đội French Gendarmerie.
Nhà chức trách ước tính có khoảng 1.500 người tập trung trong khu vực này. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết đã có 481 người bị bắt khi tham gia biểu tình. Trong số bị bắt có cả những người mang theo mặt nạ, búa, súng cao su và gạch đá, dường như dùng để tấn công cảnh sát.
Gilets Jaunes là ai?
Có lẽ từ sau cuộc Cách mạng Pháp 1789, đây là lần đầu tiên người Pháp xuống đường biểu tình một cách "không có tổ chức", tức là không một tổ chức công đoàn, chính trị, tôn giáo... nào đứng ra hô hào kêu gọi và quy tụ lực lượng biểu tình chống đối.
"Gilet Jaune" là chiếc áo vàng bắt buộc phải có trong xe để khi có tai nạn, ra khỏi xe, các tài xế khác dễ nhìn thấy, kể cả ban đêm để tránh tai nạn. Cuộc khủng hoảng mang tên “Gilet Jaune” được cho là bắt nguồn từ dòng cảm xúc của một phụ nữ trên facebook : “Lại tăng thuế nữa, không thể để họ móc túi mình mãi!!”. Dòng cảm xúc đó đã lan với tốc độ chóng mặt, với sự ủng hộ đầu tiên của cánh tài xế xe tải. Họ tự động mặc áo phản quang vàng, tụ tập lại dàn xe đi thật chậm với tốc độ sên bò để làm ách tắc nhiều nơi trên hệ thống đường cao tốc nước Pháp, bắt đầu từ ngày 17/11.
Phong trào biểu tình của phe "áo vàng" ban đầu nhằm mục đích phản đối chính phủ tăng thuế nhiên liệu nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích các chính sách của Macron, cho rằng ông không quan tâm tới những người dân bình thường mà chỉ đem lại lợi ích cho giới giàu.
Những chính sách khắc nghiệt của Tổng thống Emmanuel Macron đã thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ trong xã hội Pháp bấy lâu nay, ngọn lửa của những người có thu nhập thấp, họ phải sống bên ngoài các thành phố lớn và bị ảnh hưởng nặng nhất trong việc tăng giá xăng dầu; những xí nghiệp trung bình và nhỏ, đặc biệt là các xí nghiệp trong ngành chuyên chở hàng hoá, tầng lớp nghỉ hưu với lương hưu ngày càng "teo tóp" lại qua các vụ tăng 1,7% bảo hiểm trên lương hưu của đầu năm 2018, hay những người sống về nghề nông và những người sống nơi đồng quê, xa thành phố, mọi di chuyển của họ đều bằng xe. Cuối cùng là những người trẻ không dễ dàng tìm ra việc làm.
Phía bên kia của một Paris hoa lệ
Paris hoa lệ vốn được biết đến với Đại lộ Champs-Élysées lấp lánh, những nhãn hàng thời trang xa hoa, với tháp Eiffel kiêu hãnh, cùng Nhà thờ Đức Bà Notre Dame uy nghi…. Thế nhưng, một góc khuất nào đó của kinh đô ánh sáng, lại là cảnh “chạy ăn từng bữa” của người dân.
Xa khỏi những thành phố lớn, thị trấn Guéret nằm ở một trong những vùng nghèo nhất cả nước. Ở đó, bệnh viện công là nơi sử dụng nhiều lao động nhất. Quán café ở quảng trường chính vắng tanh tới giữa chiều. “Xác” ôtô cháy đen nằm chình ình trong bãi đỗ xe chật hẹp của ga tàu cũ tàn, bị bỏ hoang vì người dân quá nghèo để có thể duy trì chúng.
Tại đó, nỗi sợ hãi âm thầm len lỏi vào các hộ gia đình: Chuyện gì sẽ xảy ra khi mới tới ngày 20 của tháng mà tiền đã hết? Tôi lấy gì bỏ vào tủ lạnh khi trong tài khoản chẳng còn một xu và hóa đơn tiền điện hãy còn đó? Tôi nên bỏ bữa nào hôm nay? Tôi sẽ lại nói vợ rằng chúng tôi không thể đi chơi cuối tuần này như thế nào đây?
Anh Florian Dou và hàng xóm cùng chung cảnh ngộ, và cũng đều tham gia vào các cuộc biểu tình. Anh Dou cho biết đã tham gia phong trào ngay từ những ngày đầu và là một trong những gương mặt thường xuyên xuất hiện ở vòng xuyến tại Guéret.
Dou nói động lực của anh là “khôi phục những ưu tiên của đất nước. Đó là giá trị về sự tự do, bình đẳng và bác ái”. Quyết định tăng giá xăng “là thứ châm ngòi cho tất cả”. Hiện tại, anh cảm thấy phong trào đã thành công khiến chính phủ lo sợ. “Họ không biết phải làm gì. Họ đang hoảng hốt”, anh nhận định.
Hầu như mọi chiếc ôtô đi qua đều bấm còi thể hiện sự đồng cảm. Nhưng nhóm biểu tình biết rằng tiếng hô vang của họ cũng chẳng thể vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi để thực sự có sức mạnh ở Paris. Đó là lý do thôi thúc họ đưa cuộc biểu tình đến thủ đô.
Tương lai nào cho ông Macron?
Tổng thống Pháp đã kêu gọi người dân bình tĩnh và ra tín hiệu sẵn sàng có thêm những nhượng bộ nhất định để xoa dịu tình hình. Sự nhượng bộ này đánh dấu thay đổi lớn của Tổng thống Macron. Ông từng tuyên bố rằng không giống như các lãnh đạo Pháp trước đây, ông sẽ không bị ép buộc phải thay đổi chính sách vì những phong trào đường phố quy mô lớn.
Trong một cuộc thăm dò gần đây, hai phần ba số người được hỏi khẳng định rằng chính sách thuế của Macron, bao gồm cả việc giảm thuế đối với người giàu và doanh nghiệp, đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội. Ông Macron luôn hứa hẹn sức mua sẽ tăng, nhưng hầu hết người Pháp không cảm thấy điều đó.
Tuy nhiên, giới nghị trường lại các cuộc biểu tình thể hiện cuộc khủng hoảng của các thế chế đại diện cho người dân như các công đoàn và đảng đối lập, nơi những lời chỉ trích chính phủ thường được chuyển qua, chứ không phải là sự bác bỏ trực tiếp các chính sách của ông Macron.
Về phần mình, Macron vẫn tin tưởng vào đường lối của mình. Trong cuộc phỏng vấn với CNN gần đây, ông thừa nhận các biện pháp kinh tế đã khiến ông không được người dân ủng hộ nhưng ông tin tưởng rằng người Pháp sẽ bắt đầu cảm nhận được những hiệu ứng tích cực trong vòng từ 18 đến 24 tháng tới.