Năm 2019, khoảng 48% doanh nghiệp FDI phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, chi phí trung bình trên 1.000 USD với mỗi doanh nghiệp.
Trong quá trình phân tích khối doanh nghiệp FDI của báo cáo PCI 2019 nổi lên hai vấn đề đáng quan tâm đặc biệt. Thứ nhất, hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam cần trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Nhìn chung, gánh nặng thực hiện quy định, thủ tục là không quá nặng nề. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp FDI phải trải qua hai lần thanh tra, kiểm tra và 1,5 lần thanh, kiểm tra thuế.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí tuân thủ là không đồng đều, một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều doanh nghiệp là các nhà đầu tư nước ngoài năng động nhất tại Việt Nam, phải chịu gánh nặng chi phí tuân thủ không tương xứng.
Đặc biệt, xu hướng thứ hai nổi lên là vấn đề chi phí không chính thức. Theo đó, khi sử dụng một điều tra thực nghiệm cho phép bảo vệ người trả lời, nhóm nghiên cứu phát hiện 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm qua đã chi trả thêm trung bình trên 1.000 USD (khoảng 24 triệu VND) chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này.
Thậm chí, theo báo cáo PCI, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, bởi chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo, có nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhìn bức tranh chung của PCI những năm gần đây ghi nhận một tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ doanh nghiệp FDI có chi trả chi phí không chính thức để giải quyết công việc có xu hướng giảm đảng kể từ năm 2017 đến nay. Cụ thể, năm 2016, 45,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra thì con số này đã giảm xuống 44,9% năm 2017, 39,9% năm 2018, và xuống còn 32,5% năm 2019.
Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cũng giảm từ mức 56,4% năm 2016 xuống 42,5% năm 2019.
Tuy nhiên, hơn một phần năm số doanh nghiệp FDI đã chi trả chi phí không chính thức trong các giao dịch đất đai năm 2016. Năm 2019, tỷ lệ này tăng ba điểm phần trăm so với năm 2018, song đã giảm gần một nửa so với kết quả điều tra năm 2016.
Do đó, nhóm nghiên cứu PCI cho rằng chính quyền các địa phương đã thể hiện rõ sự sẵn sàng nỗ lực và đổi mới để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam sẽ cần phải duy trì và phát huy phương pháp tiếp cận hướng đến đổi mới và cải cách để giải quyết các thách thức, khó khăn mới sẽ phát sinh trong một môi trường kinh doanh, đầu tư luôn thay đổi trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
13:54, 05/05/2020
12:12, 05/05/2020
12:03, 05/05/2020
11:47, 05/05/2020
10:56, 05/05/2020
10:13, 05/05/2020
09:30, 05/05/2020