PCI 2021: Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng còn khá thấp

GIA NGUYỄN 05/05/2022 04:10

Bên cạnh những đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế địa phương, Báo cáo PCI 2021 cũng chỉ ra những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện, đặc biệt là việc tiếp cận vốn…

>> Doanh nghiệp FDI vẫn phải chịu “gánh nặng” thực thi quy định

Xoay quanh Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, bên cạnh những đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế địa phương, Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện. Trong đó, tìm kiếm khách hàng và tìm kiếm nguồn vốn vay là những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải trong năm 2021.

Doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều thách thức - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều thách thức - Ảnh minh họa

Cụ thể, 68,88% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2021 cho biết phải đối diện các trở ngại trong tiếp cận khách hàng, cao hơn với mức 63,56% của năm 2020; tương tự khó khăn khi tiếp cận tín dụng trong năm 2021 cũng cao hơn đáng kể so với năm 2020 với tỷ lệ doanh nghiệp có trải nghiệm này lần lượt là 46,85% và 40,73%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn cao hơn trong năm 2021 cũng có thể thấy ở một số khía cạnh quan trọng khác như: Tìm kiếm nhà cung cấp (22,8%), tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp (12,88%), và chất lượng cơ sở hạ tầng (8,44%).

Một điểm đáng chú ý, dù đã cải thiện so với cảm nhận trong năm 2020, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động chính sách pháp luật (15,75%) và thực hiện chủ trương thực hiện thủ tục hành chính (12,78%) vẫn là khá đáng kể (chỉ số này trong năm 2020 lần lượt là 17,68% và 15,08%).

Thực tế, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai các giải pháp điều hành tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các chương trình hỗ trợ điển hình có thể kể tới như: thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội phát triển có tín dụng lãi suất 0% để doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc và lương phục hồi sản xuất; điều chỉnh gia hạn các mốc thời gian của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên, nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19;…

>> Vẫn nhức nhối tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực hiện thủ tục hành chính

Và theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong cả năm 2021, 2.333 doanh nghiệp đã tiếp cận được gói cho vay lãi suất 0% với tổng số tiền giải ngân là 2.011 tỷ đồng, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng này còn khá nhỏ so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động.

trong khi kênh vay vốn từ ngân hàng thương mại còn gặp trở ngại, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác - Nguồn: Báo cáo PCI 2021

Trong khi kênh vay vốn từ ngân hàng thương mại còn gặp trở ngại, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác - Nguồn: Báo cáo PCI 2021

Trước thực trạng đã nêu, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang chờ những gói hỗ trợ tiếp cận tín dụng của Chính phủ để có một nguồn lực bổ sung, phục vụ cho tiến trình phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thế nhưng, vẫn có những “rào cản” khiến doanh nghiệp quan ngại. Trong đó, 81% doanh nghiệp cho rằng, họ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp và 46% cho rằng “thủ tục vay vốn phiền hà”, “ngân hàng thương mại áp dụng các điều kiện tiếp cận tín dụng bất lợi”.

Theo VCCI, quan sát chung xu hướng của 5 năm vừa qua, có thể thấy rằng tiếp cận tín dụng và tiếp cận khách hàng vẫn là những vấn đề thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp, và khó khăn này càng rõ ràng hơn trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19.

Đáng nói, khảo sát PCI 2021 cũng cho thấy, trong khi kênh vay vốn từ ngân hàng thương mại còn gặp trở ngại, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khác như: các Công ty cho thuê tài chính hoặc các quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm khoảng 11%; huy động vốn qua bạn bè hoặc người thân là 51%; và huy động đóng góp từ các cổ đông, vay từ các doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp là 18%.

Ngoài ra, gần 4% doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn “tín dụng đen”, với lãi suất quy đổi hàng năm rất cao, trung bình hơn 60%/năm - cao hơn khoảng 6 lần so với lãi suất trung bình khi doanh nghiệp đi vay từ các tổ chức tín dụng khác.

Để trợ lực cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, mặc dù có nhiều khởi sắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hệ quả, dù doanh nghiệp tái gia nhập thị trường có xu hướng tăng, tuy nhiên, tính chung quý I/2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 35,7 nghìn doanh nghiệp (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước), bình quân một tháng có 17,1 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn mức bình quân của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2017-2021.

Các chuyên gia cho rằng, trước những khó khăn, thách thức doanh nghiệp đang phải đối diện, vấn đề thực thi Chương trình phục hồi kinh tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cần thực hiện tốt các giải pháp hài hòa chính sách tiền tệ. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhanh, triển khai các gói hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các chính sách hỗ trợ.

Để Chương trình phục hồi kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, tiếp thêm động lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, bên cạnh sự quyết liệt, linh hoạt, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, cần có sự thống nhất của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ cần sớm được cụ thể hóa, đơn cử như chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như chính sách về miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí…

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp hàng không Việt vẫn đối diện với nhiều thách thức

    Doanh nghiệp hàng không Việt vẫn đối diện với nhiều thách thức

    00:30, 23/04/2022

  • Chuyển đổi số còn nhiều thách thức

    Chuyển đổi số còn nhiều thách thức

    04:00, 22/04/2022

  • Giải pháp điều hành giá trước thách thức lạm phát

    Giải pháp điều hành giá trước thách thức lạm phát

    05:10, 18/04/2022

  • Còn hạn chế, thách thức trong hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam

    Còn hạn chế, thách thức trong hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam

    00:06, 29/03/2022

  • Thách thức phủ sóng 5G với CTR

    Thách thức phủ sóng 5G với CTR

    05:15, 18/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI 2021: Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng còn khá thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO