Mặc dù Nghệ An rất nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vậy nhưng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại bị tụt hạng đáng kể…?!
Để làm rõ, phân tích chi tiết nguyên nhân có thứ hạng thấp và đưa ra giải pháp khắc phục, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo.
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Nghệ An, năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. So với năm 2022, chỉ số PCI giảm 0,88 điểm, giảm 21 bậc. Trong số 10 chỉ số thành phần PCI có 3 chỉ số tăng điểm, tăng thứ bậc, 1 chỉ số tăng điểm, giữ nguyên bậc, 01 chỉ số tăng điểm, giảm thứ bậc và 5 chỉ số giảm điểm, giảm thứ bậc.
Kết quả nêu trên đã phần nào cho thấy các nỗ lực cải cách của tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn; vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo đánh giá của đại diện Ban Pháp chế VCCI Việt Nam, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Chất lượng tổng thể giải quyết các thủ tục hành chính có cải thiện, trong đó, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục... Các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có những rào cản liên quan đến thủ tục đất đai, theo khảo sát của VCCI, 73% doanh nghiệp được khảo sát phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh bởi gặp khó khăn với thủ tục đất đai. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong đợi môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
UBND tỉnh Nghệ An được đánh giá là linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới. Các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh... Tuy nhiên, có đến 45% doanh nghiệp đánh giá các Sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương của Lãnh đạo tỉnh; 55% doanh nghiệp cho rằng các huyện, thị không thực hiện đúng chủ trương của Lãnh đạo tỉnh…
Cũng trong khuôn khổ nội dung Hội thảo, nhiều đại biểu đã đánh giá, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại trong việc cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh như: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đã tụt xuống vị trí thứ 44/63; Chỉ số chi phí không chính thức đứng cuối bảng xếp hạng, xếp thứ 63/63; Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất giảm năm thứ 03 liên tiếp, đứng thứ 55/63; Chỉ số chi phí thời gian khi thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh của tỉnh đánh giá xếp hạng 52/63, phản ánh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết thủ tục giấy tờ vẫn còn phức tạp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính không được rút ngắn như kỳ vọng; đặc biệt ở một số địa phương trong việc xác định nguồn gốc, hiện trạng đất đai,…
Giải pháp cải thiện chỉ số PCI
Đưa ra các giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong năm 2024 và các năm tiếp theo, đại diện Ban Pháp chế VCCI Việt Nam khuyến nghị, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục phát huy tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, trong đó cần tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực như đất đai, thuế, phòng cháy...
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo lập môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung tháo gỡ khó khăn để vực lại tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đề nghị cần xây dựng kế hoạch để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện quản lý công khai, minh bạch các quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Còn ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh thì mong muốn Nghệ An đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên tiếp cận với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không đơn giản là cải thiện thứ bậc để so sánh với các địa phương, mà chúng ta cần nhìn vào thực tế, xem cải thiện chỉ số PCI là mục tiêu và động cơ để tỉnh Nghệ An thay đổi, tiến bộ hơn vì sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải phát huy tốt nhất vai trò và mối quan hệ tương tác, đồng hành giữa Chính quyền - VCCI, các Hội doanh nghiệp - Cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía chính quyền các cấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn mỗi cơ quan, mỗi địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền phải tự ý thức nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Người đứng đầu mỗi Sở, ban, ngành, địa phương phải gắn trách nhiệm của sở mình, ngành mình, địa phương mình trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI. Lãnh đạo tỉnh sẽ dùng kết quả đạt được từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI làm một trong những căn cứ đánh giá xếp loại thi đua của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời là căn cứ để xử lý công tác cán bộ quản lý, công chức, viên chức.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành và địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hoàn thành chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi công khai, minh bạch; rà soát để tăng số lượng các TTHC có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chính quyền; sử dụng các công cụ quản lý điện tử để theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, giảm thiểu giấy tờ và tăng cường hiệu quả công việc. Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài.
Cải thiện khả năng tiếp cận đất đai để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả; triển khai Luật Đất đai 2024, kịp thời đưa các quy định mới của luật đất đai vào cuộc sống; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai minh bạch và công khai; đơn giản hóa quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập kế hoạch quy hoạch và phát triển quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường giám sát và xử lý nhanh chóng các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chính quyền trong quá trình hoạt động. Tăng cường đối thoại và kết nối với doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tiếp tục cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp…