Phải cân bằng giữa “bảo hiểm” và an sinh

Diendandoanhnghiep.vn Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang kiến nghị mức căn cứ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.

Đề xuất này khiến doanh nghiệp hoang mang, người lao động bất an. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đã có những phân tích kỹ hơn về vấn đề này. 

- Người lao động hiện đang đổ xô đi lấy BHXH một lần khi bị mất việc khiến quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ, quan điểm của ông như thế nào về thực tế này?

BHXH hoàn toàn đúng như tên gọi của nó, bao gồm yếu tố “bảo hiểm” và yếu tố “xã hội”, dựa trên 2 triết lý song hành: Thứ nhất, mang đặc trưng của yếu tố “bảo hiểm” là đóng góp vào quỹ để được hưởng chế độ bảo hiểm theo cách thức có đóng có hưởng, không đóng không hưởng và góp ít hưởng ít, góp nhiều hưởng nhiểu. Thứ hai, mang đặc trưng của yếu tố “xã hội” là đóng góp vào quỹ chung để san sẻ cho nhau cùng hưởng.

Nếu nhận bảo hiểm một lần thì là sự lựa chọn lợi ích trước mắt, là đi ngược lại mục đích của “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội” theo quy định tại khoản 1, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2018 và 2019).

Tất nhiên, cái gì cũng có lý do của nó, khi chính sách sự thực chưa đủ sức thuyết phục, khi quá trình chi trả BHXH còn xảy ra quá nhiều sự bất hợp lý, bất công bằng và tiêu cực xảy ra trên thực tế sẽ khiến người lao động tìm cách “lấy lại tiền của mình”.

- Nhưng cách tính toán của người lao động về mức lương chi trả của BHXH không tương xứng với mức độ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động (hiện đang ở mức 32% - PV) không phải là không có lý, thưa ông?

BHXH với mục tiêu an sinh thì điều quan trọng nhất là phải có sự tham gia đóng góp của số đông thì mới bảo đảm an sinh xã hội nói chung, mới có tác dụng giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhà nước và xã hội, mới giúp cho bản thân bớt lệ thuộc vào con cái và người thân khác.

Nhưng quy định của pháp luật hiện hành, với mức đóng BHXH là 32% mức tiền lương của người lao động đang quá cao. Trong đó, người lao động đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, chưa kể các khoản đóng quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…

Cách đây khoảng 10 năm, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ đóng vài tỷ đồng BHXH/tháng, hiện nay con số này đã tăng lên mấy chục tỷ đồng trên tháng do mức lương tăng trung bình gấp 4 đến 5 lần.

Tính toán từ Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam 2020 của Bộ KH&ĐT cho thấy mức lương bình quân của người lao động (làm cơ sở) đóng BHXH khoảng 5,5-6 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hiện nay, mức đóng BHXH (của doanh nghiệp và người lao động) khoảng từ 1,76-1,92 triệu đồng/tháng (32% mức lương).

Năm 2020, do dịch COVID-19, doanh nghiệp chỉ được tạm hoãn 3 tháng, sau đó lại đóng tiếp. Lẽ ra, trong bối cảnh này phải giảm hoặc có hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc đóng BHXH là an sinh lâu dài cho người lao động, còn an sinh trước mắt của người sử dụng lao động chính là lo việc làm và thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp trước hết phải tồn tại, thì mới có việc làm và thu nhập cho người lao động.

- Được biết, BHXH Việt Nam cũng đang đề xuất về việc giảm thời gian thụ hưởng từ 20 năm xuống 15 năm… đề xuất này của mới này của BHXH có phù hợp hay không?

Đề xuất này là hợp lý, để mở rộng diện được hưởng chế độ bảo hiểm lâu dài, khắc phục được một phần các hạn chế của bảo hiểm xã hội. Thậm chí có thể xem xét giảm nữa thời gian đóng tối thiểu.

Điều quan trọng là vẫn dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít và phải thắt chặt điều kiện về sức khoẻ và tuổi tác được hưởng chế độ bảo hiểm, chứ không để xảy ra tình trạng lâu nay quá nhiều người trẻ, khoẻ hưởng lương hưu do người già yếu hơn đóng góp.

- Còn đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội và tăng mức đóng lên ít nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động, thưa ông?

Hai đề xuất trên chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến tầm vĩ mô, đến vấn đề an sinh xã hội. Việc giảm thời gian đóng tối thiểu thì gần như không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, vì đơn giản là chỉ đóng cho người lao động, chứ không đóng bảo hiểm cho người nghỉ việc.

Nhưng sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến doanh nghiệp chính là tỷ lệ đóng bảo hiểm vốn đã cao, nay lại dự định tăng lên quá cao. Chính sách của chúng ta rất bất hợp lý. Đặt ra mức thấp nhưng không thu đúng, thu đủ, nên tăng cao để bù lại. Vì tăng cao quá, nên doanh nghiệp lại tìm cách đóng thấp đi, thế là lại tăng tiếp. Và cuối cùng, thì cứ quy định một đằng, làm một nẻo và anh nào nghiêm túc thực hiện thì rất thiệt thòi.

- Quan điểm của ông như thế nào khi phía bảo hiểm vừa đề xuất với các cơ quan quản lý về việc thành lập thanh tra chuyên ngành BHXH vừa?

Hợp lý, vì một chính sách để bảo đảm an sinh xã hội nói chung và quyền lợi của người lao động nói riêng cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc.

Nhưng cơ quan này đầu tiên phải độc lập ngay với chính BHXH để thực sự là “trọng tài”, điều đó mới thật sự đảm bảo sự minh bạch trong công tác quản lý một chính sách lớn, ảnh hưởng tới câu chuyện an sinh của toàn xã hội. Và quan trọng nhất là khâu thực thi của cơ quan này và các cơ quan chức năng khác phải tuân thủ nguyên tắc của Chính phủ: “trong một năm không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần”.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Vương Quang Ngọc, Giám đốc công ty may Sài Đồng (Hà Nội):

Đề xuất của BHXH Việt Nam xin tính lại công thức tính BHXH sẽ khiến cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Bản thân người lao động ít khi “để ý” đến việc họ được doanh nghiệp đóng là bao nhiêu, nhưng tâm lý thì vẫn mong muốn đóng nhiều để được thụ hưởng. Người lao động thường có tâm lý “so sánh” lương cao hay thấy do doanh nghiệp trả nhưng lại không bao giờ quan tâm bảo hiểm trả cho họ như thế nào. Theo cá nhân tôi, đề xuất này của bảo hiểm xã hội hoàn toàn không phù hợp vào thời điểm này. Đề xuất này chỉ làm “đội” thêm chi phí đối với doanh nghiệp. Việc kiến nghị tăng bảo hiểm xã hội này có thể do quỹ bảo hiểm đang thua lỗ và một phần quan trọng là các nhân sự làm việc trong bảo hiểm xã hội hiện nay đang quá cồng kềnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phải cân bằng giữa “bảo hiểm” và an sinh tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714024532 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714024532 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10