Việc phân cấp cho địa phương quản lý các tuyến quốc lộ qua nội tỉnh là hợp lý. Song, để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ cũng cần giao tiền và giao trách nhiệm.
Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, xoay quanh nội dung phân quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý các tuyến quốc lộ theo Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Ông đánh giá như thế nào về quy định phân cấp cho địa phương quản lý các tuyến quốc lộ qua nội tỉnh được quy định tại Luật Đường bộ Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trước tiên phải khẳng định Luật Đường bộ 2024 về việc phân cấp quản lý cho địa phương quản lý các tuyến quốc lộ qua nội tỉnh là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Song, để đảm bảo tính nhất quán thì đối với những tuyến quốc lộ liên vùng, liên tỉnh cũng cần cân nhắc kỹ các phương án để đảm bảo tính đồng bộ cũng như tính hiệu quả trong lộ trình thực hiện.
Nếu căn cứ Điều 8 Luật Đường bộ 2024 quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng và được xác định như sau. Trong đó, quốc lộ là đường nối liền với các trung tâm hành chính cấp tỉnh có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực, là vấn đề hết sức lưu ý.
Đối với đường tỉnh là đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã… Do đó, đây cũng là vấn đề cần lưu ý để quá trình thực hiện đạt được hiệu quả cao.
Như vậy, nếu căn cứ theo Luật Đường bộ 2024 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm quản lý các loại đường như: đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công… Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ thì địa phương cũng cần đề nghị Trung ương giao tiền (vốn đầu tư, bảo trì…) đồng thời cũng phải nhận trách nhiệm.
Nói như ông tức là bên cạnh việc giao quyền quản lý cũng cần phải giao tiền để duy tu, sửa chữa và giao luôn cả trách nhiệm quản lý của địa phương?
Đúng vậy, địa phương, người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng đều phải có trách nhiệm quản lý đường chuyên dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Vì vậy, khi giao quyền phải đi đôi với giao tiền (vốn) và giao trách nhiệm cụ thể.
Bởi, việc phân cấp tuyến quốc lộ huyết mạch trong mạng lưới giao thông quốc gia có thể dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quản lý khác nhau, chênh lệch trong chất lượng bảo trì, thậm chí đường hư hỏng xuống cấp. Như vậy, nếu phân quyền, nhưng không giao vốn thì tiền đâu để các địa phương bảo trì các tuyến đường?
“Trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh thành có nguồn lực có thể cân đối ngân sách để đảm nhận trách nhiệm này, nhưng cũng có địa phương lại gặp khó khăn vì nguồn vốn phụ thuộc chính vào Trung ương cấp”.
Đơn cử tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại dự án BOT quốc lộ 51 thế nhưng không thể sửa chữa, vì chưa thể xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đặc biệt, mặc dù đã có nhiều cuộc họp từ các cơ quan liên quan, song, dự án BOT quốc lộ 51 đến nay vẫn nằm trong tình vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Về nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc dự án BOT quốc lộ 51 đến nay đã tạm dừng thu phí nhưng vẫn chưa thể xác lập dự án này là tài sản công (sở hữu toàn dân) nên chưa thể đại tu cho toàn tuyến, và đây chính là ví dụ điển hình.
Do đó, việc phân bổ kinh phí bảo trì quốc lộ từ Trung ương sẽ giúp cho các địa phương hoàn thành nhiệm vụ cũng cần được rà soát cụ thể để đảm bảo hiệu quả của chủ trương. Nếu không được hỗ trợ ngân sách hợp lý, việc phân cấp quốc lộ sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi cũng như không thể gắn trách nhiệm được cho địa phương nếu có phát sinh.
Đó là vốn duy tu, sửa chữa còn tiền đầu tư cho nhân sự quản lý thì sao thưa ông?
Nhân sự là một vấn đề rất quan trọng trong lộ trình chuyển giao và giao quyền quản lý. Song, câu hỏi nhân sự ở đâu cũng là bài toàn khó nếu không có cơ chế. Bởi, trên thực tế, nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng được công việc ở địa phương. Do đó, khi phân quyền quản lý thêm các tuyến quốc lộ thì địa phương phải sử dụng thêm ngân sách rất lớn cho nhân sự để duy tu, sửa chữa cũng như nhân sự điều hành những tuyến quốc lộ được giao.
Vì vậy, ngoài việc phân bổ kinh phí bảo trì quốc lộ từ trung ương cũng rất cần cả nguồn kinh phí để đầu tư nguồn nhân lực mới hy vọng giúp cho địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, Nhà nước sẽ phân bổ ngân sách, chính sách đầu tư đảm bảo sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương được giao quản lý cũng cần chủ động để có các giải pháp tháo gỡ liên quan các thủ tục vướng mắc, tránh cảnh "cha chung không ai khóc" như dự án quốc lộ 51 đã nêu trên.
Song song đó, để đảm bảo tính chặt chẽ và căn cứ vào những quốc lộ đã phân cấp, Bộ Giao thông vận tải phải kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của địa phương để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong quá trình khai thác, quản lý và bảo trì... để làm sao quy định phân cấp quản lý quốc lộ phù hợp, hiệu quả, theo đúng tinh thần Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trân trọng cảm ơn ông!