Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng: Cần hướng dẫn cụ thể

YẾN NHUNG 23/07/2024 03:00

Trước tình trạng không ít ngân hàng tỏ ra lúng túng với quy định mới, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những hướng dẫn cụ thể để thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

>> Chặn biến tướng bán bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc”: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Thực tế cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, với quy định mới về cấm bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, không ít ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lúng túng, doanh thu bảo hiểm vì thế cũng ảnh hưởng. Đáng nói, đứng trước quy định mới, một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm.

không ít ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lúng túng,

Không ít ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lúng túng với quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành. Điểm nổi bật là quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Xoay quanh vấn đề này, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV - BIC) đề nghị, các cơ quan cần sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật, trong đó, hướng dẫn cụ thể, giải thích rõ ngữ nghĩa của các câu từ trong luật như “gắn” là thế nào; “dưới mọi hình thức” là gì…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank – ABIC) nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đi tìm câu trả lời cho khái niệm thế nào là “gắn kèm”.

"Chúng tôi rất mong chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Trong đó, nên quy định rõ là các ngân hàng không được đưa vào các hợp đồng tín dụng bắt buộc mua bảo hiểm thì mới giải ngân. Nhưng các công ty bảo hiểm, đại lý có quyền tư vấn sản phẩm bảo hiểm này tốt, mua sẽ bảo đảm an toàn khoản vay nếu không may xảy ra sự cố... Nếu có hướng dẫn rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động liên kết bảo hiểm - ngân hàng, đồng thời không để xảy ra những khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm", ông Nguyễn Hồng Phong kiến nghị.

nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những hướng dẫn cụ thể để thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những hướng dẫn cụ thể để thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng - Ảnh minh họa: ITN

>> Tháo điểm nghẽn, nâng tầm chất lượng tư vấn bảo hiểm nhân thọ

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhận định, câu chuyện ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm "nóng" lên trong thời gian qua cần phải được nhìn lại. Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng này là không ít đơn vị những năm gần đây đã gây sức ép, chạy chỉ tiêu cao nhằm mục đích hưởng lợi từ các khoản hoa hồng chia lại từ các hợp đồng bảo hiểm.

“Do đó, phải có chế tài chặt chẽ để xử lý những hành vi vi phạm quy định, trục lợi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm qua ngân hàng, trong đó liệt kê cụ thể những hành vi điển hình không được phép làm và những hành vi tương tự...”, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị.

Được biết, trong bối cảnh trên, Thông tư số 34/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Điều 14 của Thông tư 34/2024 quy định rằng khi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đồng thời, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép các ngân hàng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Khó đòi bảo hiểm nắng nóng

    Khó đòi bảo hiểm nắng nóng

    03:30, 15/07/2024

  • VNI tạm ứng tiền bảo hiểm cho gia đình các nạn nhân xe khách bị sạt lở đất tại Hà Giang

    VNI tạm ứng tiền bảo hiểm cho gia đình các nạn nhân xe khách bị sạt lở đất tại Hà Giang

    19:47, 14/07/2024

  • Bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

    Bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

    07:50, 13/07/2024

  • VNI đồng bảo hiểm dự án điện gió ngoài khơi 1 tỷ USD

    VNI đồng bảo hiểm dự án điện gió ngoài khơi 1 tỷ USD

    10:46, 10/07/2024

  • Thêm nhiều khách hàng “sập bẫy” lừa đảo được VietinBank - VBI trả quyền lợi Bảo hiểm An ninh mạng 

    Thêm nhiều khách hàng “sập bẫy” lừa đảo được VietinBank - VBI trả quyền lợi Bảo hiểm An ninh mạng 

    15:51, 02/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng: Cần hướng dẫn cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO