UBND TP.HCM vừa ra quyết định ủy quyền cho UBND các địa phương trên địa bàn thành lập Hội đồng thẩm định giá đất và quyết định giá đất cụ thể tại địa phương.
>> >Không nên chi tiết hoá các phương pháp định giá đất
Thành phố ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhận; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
TP Thủ Đức và quận, huyện cũng được quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND các địa phương làm Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo Phòng Tài chính hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường làm Phó Chủ tịch Hội đồng, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND các địa phương quyết định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 73 làm cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể.
>>> Không nên bỏ phương pháp thặng dư tính giá đất
Tuy nhiên theo kiến nghị của nhiều địa phương, công tác định giá đất ở một số nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, dẫn đến việc định giá đất rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Về phía các doanh nghiệp cũng cho biết, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Theo Tập đoàn Bất động sản G6, vướng mắc chính của việc định giá đất nằm ở các văn bản pháp luật và khâu thực thi.
"Quy định từ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn hiện đang chưa đồng bộ, phân cấp cho các huyện. Các đơn vị cấp huyện về mặt chuyên môn, năng lực không bằng cấp tỉnh lại càng gây khó khăn cho họ", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bất động sản G6, cho biết.
Về phía chuyên gia, GS Nguyễn Đăng Dung, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, việc định giá đất phải đảm bảo hai yếu tố là cơ quan định giá có chuyên môn, năng lực cao và độc lập, khách quan, không bị chi phối bởi các tổ chức chính trị - xã hội. Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo trao thêm quyền cho Hội đồng thẩm định giá đất, để họ thực sự có quyền quyết định, không bị chi phối bởi các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tính đến công tác đào tạo chuyên gia thẩm định giá đất thực sự có chất lượng để phục vụ mục tiêu lâu dài. Và nếu trước mắt chưa thể có ngay, Bộ cân nhắc cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm