Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) dự kiến trình ĐHCĐ thông qua phương án phát hành (ESOP) với tỉ lệ phát hành là 3% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá bán là giá thấp nhất giữa giá 10.000 đồng/cp hoặc 50% giá trị thị trường và thời gian phát hành dự kiến trước 31/3/2021.
Đối với phương án ESOP năm 2020, Ban lãnh đạo MWG nhấn mạnh kế hoạch phát hành chỉ được thực hiện nếu lợi nhuận đạt trên 80% lợi nhuận năm 2019, tỉ lệ phát hành tối đa là 3% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Bên cạnh đó, tỉ lệ phát hành ESOP cũng sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến trung bình cổ phiếu MWG năm 2020 so với diễn biến trung bình của chỉ số VN-Index trong năm 2020.
Hay như Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) cũng đã thông việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu ESOP. Theo đó, Viettel Post dự kiến phát hành hơn 1,17 cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 2% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành) cho cán bộ, nhân viên công ty. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Theo ông Lê Ngọc Nam, Phó phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, ESOP có ưu điểm là hình thức khuyến khích động viên cán bộ công nhân viên tương đối tốt, bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà doanh nghiệp không phải tốn nhiều chi phí. Ngoài ra dưới góc độ nào đó, doanh nghiệp cũng có thể huy động thêm một phần tiền vào vốn hóa chung. Quan trọng hơn, so với thưởng bằng tiền mặt, thì thưởng bằng cổ phiếu có tác dụng giúp nhân viên gắn bó với công ty hơn.
Một yếu tố quan trọng nữa là thưởng bằng cổ phiếu còn giúp nhân viên tránh được các khoản thuế thu nhập cá nhân khổng lồ, mà chỉ phải nộp 0,1% thuế khi bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán và trả phí giao dịch khoảng 0,15%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Nam, một góc độ nào đó, phát hành ESOP cũng có không ít thách thức, bởi điều đó sẽ không chỉ làm giá cổ phiếu trên thị trường điều chỉnh giảm, mà cổ đông còn phải chịu rủi ro khi tốc độ tăng trưởng không theo kịp tốc độ pha loãng cổ phiếu dẫn đến giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Ngoài ra, việc có thêm một lượng cung cổ phiếu giá rẻ luôn sẵn sàng “xả” ra thị trường khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Do đó, Đại hội cổ đông sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi thông qua kế hoạch phát hành ESOP.
“Hình thức ESOP vừa tồn tại ưu điểm, vừa có một số nhược điểm. Do vậy, doanh nghiệp cần cân đối lợi ích của cổ đông với lợi ích của cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp. Có như vậy, kế hoạch phát hành ESOP mới thuyết phục được Đại hội cổ đông”- ông Lê Ngọc Nam nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, ông Nam nhận định hình thức phát hành ESOP sẽ tiếp tục được nhiều doanh nghiệp niêm yết lựa chọn trong thời gian sắp tới.
Có thể bạn quan tâm