Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc

Diendandoanhnghiep.vn Đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước đã trở thành những nhân tố không thể thiếu trong việc đoàn kết cùng xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, trong đó có du lịch.

>>Phát triển du lịch văn hoá

Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp vô cùng ý nghĩa của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đến nay, nét văn hóa đó đã trở thành một sản phẩm đặc trưng cho hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam". Do đó, yếu tố cộng đồng các dân tộc càng được khẳng định ngày một rõ nét hơn trong mọi hoạt động kinh tế và xã hội.

Yếu tố cộng đồng trong đời sống văn hóa các dân tộc đã trở thành một phần không thể tách rời với quá trình hội nhập và phát triển đất nước

Yếu tố cộng đồng trong đời sống văn hóa các dân tộc đã trở thành một phần không thể tách rời với quá trình hội nhập và phát triển đất nước (Ảnh: Hát then của đồng bào dân tộc Tày - Đông Bắc)

Bảo tồn giá trị văn hóa địa phương

Theo PGS TS. Nguyễn Thị Song Hà, trong những năm gần đây, bên cạnh các loại hình du lịch đó thì du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở vùng nông thôn, du lịch khám phá, trải nghiệm ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng và phát triển. Chẳng hạn như, Vùng đồng bào DTTS là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, được coi là nguồn lực văn hóa giàu giá trị. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai đã khai thác các di sản tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử… tạo nên sức hút cho du lịch ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của từng dân tộc, có thể kể đến người Hmông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La)...; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ nhưng đầy nên thơ ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Bát Xát (tỉnh Lào Cai)…

Đồng bào các dân tộc tại Nậm Nghiệp đã tham gia vào xây dựng các homestay và cafe phục vụ đón khách du lịch

Đồng bào các dân tộc tại Nậm Nghiệp (Sơn La) đã tham gia vào xây dựng các homestay và cafe phục vụ đón khách du lịch

Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang); du lịch cộng đồng của người Lự (ở bản Thẳm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam.

Tạo yếu tố độc đáo cho điểm đến

Di sản văn hoá được cộng đồng các tộc người giữ gìn còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế. Trở thành nguồn lực để phát triển du lịch – một trong những nhóm ngành kinh tế chủ lực đang rất được quan tâm và chú trọng phát triển.

Bên cạnh việc cộng đồng người địa phương tham gia vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thì chính họ cũng là một trong những thành viên đóng góp rất lớn vào việc khai mở các mô hình du lịch độc đáo và mới lạ, góp phần phát triển du lịch và ổn định sinh kế địa phương.

>>Thúc đẩy và gắn kết du lịch Hà Nội - Trà Vinh

>>Để trà trở thành một thương hiệu quốc gia

Tiêu biểu như thời gian qua, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã miền núi Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, khai thác làm du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng, tập hợp nhau lại thành lập Tổ du lịch cộng đồng, xây dựng các chương trình tour trải nghiệm cho người thích phiêu lưu, khám phá thác Tà Puồng và tham gia vào công tác cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch.

Thác Tà Puồng đã được Tổ du lịch cộng đồng Bru - Vân Kiều đưa vào khai thác phục vụ du lịch trải nghiệm

Thác Tà Puồng đã được Tổ du lịch cộng đồng Bru - Vân Kiều đưa vào khai thác phục vụ loại hình du lịch trải nghiệm

Những ngày đầu tháng 4 này, du khách đổ về ngày một đông hơn vào dịp cuối tuần để hòa mình vào thiên nhiên Tà Puồng, ngắm cảnh, tắm suối, thưởng thức dịch vụ ẩm thực bản địa với các món ăn đặc sản như rau rừng, cá mát, gà nướng, hoa chuối luộc, xôi nếp, rượu cần, cơm lam…

Tương tự như đồng bào Vân Kiều, nhiều cộng đồng các dân tộc đã biến những điểm mạnh văn hóa đặc trưng của mình trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn riêng có. Bắc Kạn hiện đã xây dựng được hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, như: then Sắc Chàm; hát then đàn tính các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn; hát Sli, hát lượn cọi, khèn Mông... góp phần duy trì và phát triển song hành văn hóa dân tộc cùng với đời sống xã hội.

(Ảnh: TT VHTTTT huyện Pác Nặm)

Bắc Kạn hiện đã xây dựng được hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian (Ảnh: TT VHTTTT huyện Pác Nặm)

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Ngày 31/3, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận cho thành lập câu lạc bộ Khèn Mông Pác Nặm. Việc thành lập câu lạc bộ sẽ góp phần tập hợp, đoàn kết các cá nhân có năng khiếu, cùng sở thích về thổi và múa khèn, hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao giá trị văn hóa trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ thành lập thêm nhiều Câu lạc bộ văn hóa dân gian tương tự, gắn hoạt động với phát triển du lịch”…

Cần quan tâm và phát huy giá trị

PGS. TS. Song Hà nhận định: “Bên cạnh những tích cực đó thì yếu tố tiêu cực tác động đến đời sống xã hội, đến các di sản không phải là không có. Việc phát triển du lịch với tốc độ nhanh, mạnh, thậm chí có lúc thiếu kiểm soát, chú ý phát triển kinh tế mà chưa quan tâm thấu đáo đến phát triển bền vững… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản.
Thời gian qua, ở một số di sản nổi tiếng đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi giá trị di sản đã bị xâm hại. Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, khai thác các giá trị văn hóa không đúng, hiện tượng sân khấu hóa một số di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ cho kinh doanh du lịch… cũng khiến cho nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa”.

Cần bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng gắn với phát triển an sinh xã hội

Cần bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng gắn với phát triển an sinh xã hội

“Theo tôi, đây là cả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lí Nhà nước mà còn cả trách nhiệm của cộng đồng… để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, trong đó đảm bảo hài hòa tính hiệu quả của kinh tế, sự phồn thịnh cho địa phương, chất lượng việc làm, sự thỏa mãn của khách du lịch” – PGS. TS. Song Hà nhấn mạnh.

Sự kiểm soát và tham gia của chính quyền, của người dân vào các hoạt động bảo tồn, phát triển du lịch, đồng thời có sự tham gia của các bên liên quan, các nhà nghiên cứu là một việc vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc ở mọi miền đất nước.

PGS. TS. Song Hà kiến nghị, sự tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch phải luôn chú ý đảm bảo an sinh xã hội, môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và hiệu quả của các nguồn lực…

Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết xây dựng được một cơ chế hài hòa, hợp lí giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Cần thiết phải xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển du lịch bền vững ở các địa phương, các vùng của đất nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc tại chuyên mục Du lịch của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714723042 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714723042 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10