Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, cần chiến lược tổng thể, từ nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp và phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp.
Khẳng định, sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng, do đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho doanh nghiệp, cho đất nước.
Được biết, mới đây, tỉnh Kon Tum vừa chính thức công bố các chế phẩm chiết xuất từ sâm trên núi Ngọc Linh, nhằm "đánh bạt" các sản phẩm giả, trôi nổi "đội lốt" sâm Ngọc Linh của Kon Tum, giải quyết nỗi lo của các doanh nghiệp như Giám đốc Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum - ông Trần Hoàn từng chia sẻ: "Các loại sâm giả từ phía Bắc, không nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, giá từ 1 - 2 triệu đồng/kg "đội lốt" thành sâm Ngọc Linh được "thổi" giá lên hàng trăm triệu đồng/kg”.
Cùng với đó, Tỉnh Kon Tum cũng đã trao quyết định đầu tư, chủ trương khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng. Đã có 17 dự án đăng ký khảo sát đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và thực thi cam kết trên giấy, thực tế sâm Ngọc Linh Kon Tum đang đối mặt rất nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, tinh chế, chiết xuất từ dược liệu sâm Ngọc Linh cũng là vấn đề nan giải. Ở góc độ "người trong cuộc", Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum Trần Hoàn từng nhận định, chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh của Kon Tum nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản lớn, trước hết vẫn là nguồn sâm giống đạt chuẩn.
“Cái khó lớn nhất chính là nguồn sâm giống, hiện vô cùng khan hiếm. Việc nhân giống sâm lâu nay vẫn theo phương thức truyền thống, tức là gieo bằng hạt. Đi cùng với đó là nạn chuột, trộm cắp, dịch bệnh, rất khó đủ giống để trồng chưa kể cây sâm là cây trồng lâu năm rất tốn kém về kinh phí”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Điều này đặt ra thách thức trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược, áp dụng ra thị trường, làm thế nào để đại trà nhân dân được sử dụng, trở thành quốc kế cho người dân… Thực tế, tại Kon Tum mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tham gia trồng sâm với diện tích khoảng 500 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích này sẽ tăng lên 10.000 ha cùng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược tổng thể, làm tốt ở tất cả các khía cạnh, thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp, phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, qua đó Sâm Ngọc Linh có thể đem lại những giá trị độc đáo cho hình ảnh của quốc gia như sâm Hàn Quốc và trở thành một yếu tố hấp dẫn du lịch.
Theo Thủ tướng, chắc chắn rằng Sâm Ngọc Linh và những chế phẩm của nó hoàn toàn có thể và cần thiết vươn ra thị trường thế giới không kém gì sâm Nhật Bản, sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc…
“Tôi cũng tin tưởng và kỳ vọng rằng Sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng, đưa Kon Tum, đưa Quảng Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về địa lý cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Việt Nam mang tầm quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
13:55, 26/09/2018
15:56, 06/09/2018
14:48, 06/09/2018
13:43, 06/09/2018
Trước đó, trong một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thấp đến cao trên thị trường quốc tế, đồng thời tiếp tục có những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp gắn với giá trị đặc biệt của sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cũng như phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh phải bám sát yêu cầu sâm Ngọc Linh là một thương hiệu quốc gia có giá trị, không phải là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ còn đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ có chọn lọc, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh.
Đồng thời, không nên ngần ngại khi có cơ hội liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng các điều kiện, những nền tảng sẵn có về nghiên cứu và phát triển, về marketing, về quản trị và thị trường để đi tắt ra thị trường cao cấp, qua đó, tạo ra sức lan tỏa nhanh chóng về thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo cú hích cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trong nước.
“Phải xây dựng bằng được những doanh nghiệp hạt nhân, có đủ tiềm lực và sức mạnh để trở thành những nhà tiên phong, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh, với các chủng loại sản phẩm phong phú có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đang hiện diện trên sân nhà, đồng thời phải từng bước vững chắc vươn ra thị trường quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.