Để tạo bứt phá từ AI tạo sinh, cần phát triển công nghệ này phù hợp với thị trường Việt Nam cũng như bài toán cụ thể của các doanh nghiệp.
Hướng đến mục tiêu phát triển đến năm 2030, AI tạo sinh - GenAI được kỳ vọng sẽ đóng góp 14.000 tỷ cho kinh tế Việt Nam với tăng trưởng ứng dụng 50%, góp phần cá nhân hóa, hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Thời điểm năm 2030 cũng được nhận định là giai đoạn phát triển mới của GenAI, trở thành công cụ không thể thiếu trong quá trình ra quyết định phức tạp trên nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là công cụ thay đổi cách tiếp cận các công việc, nhiệm vụ hàng ngày như soạn email, tạo thuyết trình và viết code, làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc.
Các chuyên gia dự đoán, ở giai đoạn này, AI được ứng dụng mạnh mẽ trong doanh nghiệp, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và dữ liệu nội bộ để phát triển các giải pháp tùy chỉnh. Làn sóng này có thể nâng cao khả năng ra quyết định của doanh nghiệp, xử lý dữ liệu lớn, phân tích xu hướng, tạo báo cáo chi tiết hỗ trợ chiến lược và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Với tiềm năng vượt trội, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư để phát triển và ứng dụng công nghệ này. Theo GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigdata, năm 2023, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào GenAI 25,23 tỷ đô la, tăng gần 9 lần so năm trước.
Theo báo cáo quý I/2024 của McKinsey, 65% doanh nghiệp đã ứng dụng AI tạo sinh vào các hoạt động vận hành, kinh doanh - tăng gần gấp đôi so với 2023. Lĩnh vực được ứng dụng AI tạo sinh nhiều nhất là tiếp thị bán hàng (34%), phát triển sản phẩm dịch vụ (23%) và công nghệ thông tin (17%).
Trong xu thế phát triển chung, doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển trợ lý ảo AI “made in Vietnam” hay mô hình ngôn ngữ lớn thuần Việt... Với dân số trẻ và kỹ năng kỹ thuật số cao, Việt Nam được nhận định có tiềm năng lớn trong lĩnh vực AI.
Để nắm bắt cơ hội lớn cho sự phát triển từ GenAI, TS.Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT cho rằng, cần khắc phục một số rào cản, điểm nghẽn. So với AI truyền thống, GenAI khác biệt ở chỗ đòi hỏi sự tính toán, lượng dữ liệu lớn hơn và mô hình nhiều tham số.
GenAI không phù hợp với các hạ tầng cũ; trong khi Việt Nam chưa sản xuất được chip tính toán cho trí tuệ nhân tạo, nguồn nhân lực còn hạn chế. Do đó, theo TS. Trần Thế Trung, dù có 36% doanh nghiệp tìm hiểu nhưng chỉ có 9% triển khai trên thực tế.
Ngoài ra, GS. Vũ Hà Văn cho biết thêm, rào cản phát triển GenAI còn đến từ một số vấn đề quan trọng khá như tính chính xác, tạo ra một số nội dung có độ thuyết phục cao nhưng lại thiếu khách quan, sai lệch với thực tế hoặc hoàn toàn vô nghĩa; tính bảo mật, an toàn dữ liệu. Đặc biệt, dữ liệu của người Việt có tính bản địa, khó có thể sử dụng cách làm giống như các quốc gia khác. Do đó, cần phát triển AI tạo sinh phù hợp với thị trường cũng như bài toán cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ thực tế đó, để đón đầu làn sóng GenAI, cần chú trọng phát triển 3 trụ cột: đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ, chủ động kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia; xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.