Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, theo chuyên gia, cần có những chính sách khuyến khích...
>> BEINCO – Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa
Theo đó, việc phát triển các chuỗi liên kết phù hợp góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao cho nhiều đối tác tham gia liên kết.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có sự tăng trưởng, các hợp tác xã đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực phối hợp tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã). Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 hợp tác xã, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186 nghìn hộ nông dân.
>> Đồng Tháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối dẫn tới việc doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.
Măt khác, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như trình độ về khoa học công nghệ còn hạn chế, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…
Trước những bất cập đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới.
Đồng thời, yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo yêu cầu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực hiện từng giai đoạn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã; trong đó, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy hợp tác xã tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.
“Cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và liên kết”, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.
Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các hợp tác xã, ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển hợp tác xã, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng lưu ý việc tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ ngành, địa phương có liên quan; tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Phát triển sản phẩm du lịch thể thao
02:00, 08/04/2024
Hà Nội cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương
03:00, 23/01/2024
Phát triển sản phẩm sáng tạo và điểm đến bền vững cho du lịch Việt
03:00, 15/01/2024
Nam Định: Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương
01:21, 04/12/2023
Phát triển sản phẩm du lịch Golf cần sự liên kết giữa 4 bên
09:36, 02/12/2023