Kinh tế

Phát triển bền vững để cân bằng tăng trưởng

Nguyễn Việt 16/08/2024 04:30

Phát triển bền vững mang lại cân bằng giữa kinh tế, xã hội, môi trường, lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai.

GS,TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học: “Phát triển tương lai bền vững” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Adelaide (Australia) tổ chức, ngày 15/8.

phạm hồng chương
GS,TS Phạm Hồng Chương.

Theo GS,TS Phạm Hồng Chương, phát triển bền vững là điều tất yếu mà tất cả các quốc gia đều mong muốn hướng tới, phát triển bền vững mang lại cân bằng giữa kinh tế, xã hội, môi trường, mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Bảo vệ môi trường từ áp lực tăng trưởng

Do đó, cho dù là một quốc gia phát triển như Australia hay các nước đang phát triển như Việt Nam. Phát triển bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây là nền tảng cho việc thúc đẩy cách tiếp cận và giải pháp, chính sách trong việc tạo ra hiệu quả bình đẳng, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, cũng như hiệu quả về mặt thể chế.

“Việt Nam và Australia và Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững, mặc dù mức độ phát triển giữa hai nước có sự khác nhau, nhưng hai bên có thể chia sẻ bài học từ nhiều góc độ như chính sách và thể chế để có thể xác định những công cụ thực hiện phát triển bền vững”, GS,TS Phạm Hồng Chương nói.

Trao đổi tại hội thảo, GS,TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, BĐKH và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội trong thời gian qua, là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực từ sự tăng trưởng này. Đơn cử, chất lượng môi trường và chỉ số môi trường Việt Nam đang ở nhóm nước có chất lượng môi trường rất thấp.

“Ở một số tiêu chí, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, như chất lượng không khí, ô nhiễm nguồn nước, hiệu quả sử dụng năng lượng, phá rừng… Đây là những vấn đề rất lớn làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, GS,TS Đinh Đức Trường nói.

GS,TS Đinh Đức Trường cho rằng, Việt Nam đang đi đến “bước ngoặt” về phát triển bền vững, và còn một "đoạn đường dài" để có được chất lượng môi trường tốt hơn. Đơn cử, năm 2022 Việt Nam có khoảng 70.000 người tử vong do ô nhiễm không khí. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam được đánh giá là cao nhất trong khu vực.

Nếu so sánh với tai nạn giao thông, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người tử vong, trong khi tử vong do ô nhiễm không khí là 70.000 người. Việc này đồng nghĩa Việt Nam bị mất đi khoảng 5%-6% GDP mỗi năm vì thiệt hại ô nhiễm không khí.

Việt Nam cũng gặp phải thách thức lớn liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Việt Nam phải đối mặt rất lớn với khí hậu cực đoan như số cơn bão ngày càng nhiều hơn, nước biển dâng, tình trạng ngập lụt diễn ra phổ biến hơn…

đinh đức trường
GS,TS Đinh Đức Trường.

“Điều này có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xu hướng này tiếp tục xảy ra, Việt Nam sẽ mất 10% GDP/năm trong những năm tới”, GS,TS Đinh Đức Trường khẳng định.

Vẫn theo GS,TS Đinh Đức Trường, thiệt hai trực tiếp do biến đổi khí hậu có thể đo lường, nhưng rất khó định lượng thiệt hại gián tiếp về môi trường và xã hội. Việt Nam đang phải “chi trả” từ 7%-8% tổng GDP cho các vấn đề về môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu.

Điều này liên quan "mật thiết" đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng của Việt Nam là nền tảng của các vấn đề về môi trường, và chúng ta cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng này để có được một mô hình bền vững hơn.

Hiện nay, Việt Nam dựa trên mô hình tài nguyên thiên nhiên. Có nghĩa, chúng ta dựa trên rất nhiều tài nguyên thiên nhiên cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi, tại một số quốc gia họ dựa trên nguồn vốn con người, một số khác dựa trên đổi mới, sáng tạo công nghệ…

Còn Việt Nam lại phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên. Hàng năm, tài nguyên thiên nhiên đóng góp trực tiếp vào tổng GDP của Việt Nam khoảng từ 20%-30% ngân sách quốc gia.

Lợi thế là Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng điểm yếu là phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên trong nhiều năm và coi đây là nhân tố chính của sản xuất.

“Chúng ta biết rằng, tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn và chắc chắn sẽ bị cạn kiệt vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nếu phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên thì sẽ rất nguy hiểm vì không thể thay đổi được các nhân tố sản xuất khác, như nguồn vốn con người, đổi mới khoa học công nghệ…”, GS,TS Đinh Đức Trường bày tỏ.

Thu về triệu USD từ tín chỉ carbon

Nhược điểm khác về mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, theo GS,TS Đinh Đức Trường đó là chúng ta đang ở vị thế thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu hàng hoá đi khắp thế giới, nhưng lại ở một vị trí rất thấp trong chuỗi giá trị cao như R&D, phát triển ý tưởng, thương hiệu…

hội thảo 3
Toàn cảnh Hội thảo khoa học: “Phát triển tương lai bền vững”.

Ngoài ra, sự phụ thuộc vào đầu tư FDI, đây là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong một khoảng thời gian rất dài. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ trở thành “thiên đường ô nhiễm” nếu các nước đưa công nghệ thấp, gây hại môi trường vào Việt Nam để giảm bớt chi phí.

Đây là một số nhược điểm trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù, có thể mang lại tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng không bền vững và chúng ta đang phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cao cùng với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Và, với cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn rất tốt cho Việt Nam.

Cụ thể, tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0. Đây là cam kết cao nhất của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam sẽ hướng đến tăng trưởng xanh, quy hoạch kinh tế tuần hoàn…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thông qua quy hoạch điện VIII, đây là nhân tố quan trọng cho việc phát triển hướng tới phát thải ròng bằng 0. Hiện, Việt Nam đang tập trung vào 3 ngành chính là năng lượng, nông nghiệp và giao thông.

“Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào phát thải ròng bằng 0, dự kiến sẽ phải trả khoảng 4,7% GDP từ nay đến năm 2040”, …”, GS,TS Đinh Đức Trường chia sẻ.

hội thảo 2
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đánh giá về tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam, TS Nam Trần, Khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ (Đại học Adelaide) cho biết theo nghiên cứu Việt Nam có thể thu về tới 200 triệu USD/năm từ việc bán tín chỉ carbon. Đây là lợi ích rất lớn mang lại cho Chính phủ cũng như khu vực tư nhân của Việt Nam.

Một trong những hỗ trợ rất quan trọng của Chính phủ Việt Nam, đó là dự kiến triển khai trao đổi tín chỉ carbon quốc gia vào năm 2025, triển khai chính thức vào năm 2028.

Trước đó, vào đầu năm 2024 Việt Nam đã nhận được đợt thanh toán thứ 3 của WB 51 triệu USD tín chỉ carbon. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được thanh toán dựa trên kết quả.

“Có nghĩa, WB chấp nhận kết quả của việc trồng rừng, và Việt Nam có thể đã bán các tín chỉ carbon cho người mua. Điều này cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về việc tạo ra tín chỉ carbon từ việc trồng rừng”, TS Nam Trần chia sẻ.

Về nông nghiệp, TS Nam Trần đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới, mỗi năm sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, nhưng đi cùng đó là rác thải sinh khối như vỏ trấu cũng rất lớn.

“Như vậy, cần biến vỏ trấu thành than sinh học. Với 43 triệu tấn lúa mỗi năm, tương đương khoảng 11 triệu tấn vỏ trấu, đây là khối lượng rất lớn chúng ta có thể sử dụng được”, TS Nam Trần nói.

Việc này cần có sự hợp tác với nông dân để chuyển đổi rác thải thành than sinh học và tạo ra nguồn thu nhập cho người nông dân, đồng thời thiết lập ra một nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai cho Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể thu được bao nhiêu tiền từ than sinh học? Theo TS Nam Trần, 1 tấn vỏ trấu có thể sản xuất 0,4 tấn than sinh học, bao gồm từ 80%-90% carbon tinh chất.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có thể sản xuất được 5 triệu tấn vỏ trấu, với 20% sẽ tương đương 2 triệu tấn than sinh học được sản xuất. Với mỗi tấn than sinh học có thể giảm được 2,79 tấn CO2.

“Chúng ta có thể bán và tạo ra khoảng 5,5 triệu tín chỉ carbon, và có thể thu về hàng triệu USD”, TS Nam Trần khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển bền vững để cân bằng tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO