Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, cần xây dựng hệ thống pháp lý ổn định và cơ cấu sản phẩm hài hòa phù hợp.
Trao đổi tại Diễn đàn Phát triển bền vững Thị trường bất động sản, và trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024 do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 27/11, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Lê Thành nhận định, hiện nay, nhà ở xã hội đang là phân khúc nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương đến địa phương khi có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho phân khúc này.
Các nhà quản lý đã và đang tích cực lắng nghe phản hồi từ các bên liên quan để hoàn thiện chính sách, hướng tới một thị trường nhà ở xã hội phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, cần xây dựng thị trường nhà ở xã hội, tức là cho phép chuyển nhượng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần xây dựng những quy định và cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi, đảm bảo nhà ở xã hội đến tay đúng đối tượng thụ hưởng là người có thu nhập thấp.
Ông Nghĩa cho rằng, Bộ Xây dựng cần ban hành quy trình, tiêu chuẩn riêng cho nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng, thanh kiểm tra, hậu kiểm và thậm chí cả việc phê duyệt giá bán. Điều này khiến việc phê duyệt các dự án nhà ở xã hội tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Chúng tôi phải tự bỏ vốn đầu tư, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi lại gặp trở ngại trong quá trình kiểm toán tài chính, qua nhiều vòng thủ tục, phải duyệt lên, duyệt xuống rất mất thời gian", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa chỉ ra, do sự khác biệt giá đất dẫn đến câu chuyện giá thành nhà ở xã hội do nhà nước cấp có sự chênh lệch lớn so với giá nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự xây.
Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho rằng cần cân đối giữa người mua, chủ đầu tư để cả bên phát triển dự án lẫn bên mua được tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn.
“Nếu không có chính sách đặc biệt về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp thì cả khi luật sửa đổi có hiệu lực, vẫn ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê”, ông nói.
Đồng thời, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục pháp lý, tập trung vào sáng tạo và ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm nhà ở xã hội có chất lượng cao với giá thành hợp lý. Khi có cơ chế vận hành tốt giữa cung - cầu - lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ quan tâm và tập trung phát triển sản phẩm này.
Để phân khúc nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cần sự chung tay và nỗ lực không ngừng từ cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ông Nghĩa cho biết, việc tháo gỡ những nút thắt về chính sách, thủ tục hành chính, cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy nguồn cung và hiện thực hóa mục tiêu đề ra.