Kinh tế

Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Thiếu hành lang pháp lý để thực hiện

TS Dư Văn Toán (*) 12/01/2025 04:30

Để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần giải quyết tốt những thách thức và rào cản đang tồn tại, thông qua các biện pháp đồng bộ về chính sách và huy động nguồn lực.

Cơ hội và mục tiêu

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi với tiềm năng to lớn cả về tự nhiên và định hướng chính sách.

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung giá điện cho các loại hình dự án điện năng lượng tái tạo
Đã có 20 địa phương bổ sung 166.822 MW trong Quy hoạch điện VIII.

Về thiên nhiên, Việt Nam được ưu đãi với tiềm năng điện gió ngoài khơi vô cùng dồi dào. Theo đánh giá sơ bộ, tổng công suất kỹ thuật có thể lên tới xấp xỉ 600 GW, gấp hàng chục lần tổng công suất các nguồn điện hiện có của cả nước. Trong đó, khoảng 261 GW là các dự án gió ngoài khơi với nền móng cố định tại các vùng biển có độ sâu dưới 50 m và 338 GW với các dự án sử dụng công nghệ nền móng nổi cho độ sâu lớn hơn 50 m. Nhiều khu vực ven biển có tốc độ gió trung bình trên 10 m/s, rất phù hợp cho các nhà máy điện công suất lớn. Đây là lợi thế tự nhiên đáng kể cho phép Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô rộng lớn và dài hạn.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và định hướng nhất quán về đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng thông qua hàng loạt nghị quyết, chiến lược then chốt trong thời gian gần đây. Điển hình là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định "năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới" là một trụ cột đột phá. Tiếp đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc "xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam". Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể.

Trong đó có nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện các định hướng nói trên. Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1658/QĐ-TTg) xác định các ngành kinh tế xanh ưu tiên bao gồm năng lượng tái tạo. Quyết định 841/QĐ- TTg năm 2023 đưa việc phát triển bền vững ngành năng lượng, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy thành một trụ cột trong lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (SDGs). Đặc biệt, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ- TTg ngày 15/5/2023 đã xác định cụ thể các chỉ tiêu về tăng tỷ trọng điện gió ngoài khơi với mục tiêu 6 GW vào năm 2030 và 70 - 91 GW vào năm 2050.

Đặc biệt Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định lộ trình cho các dự án trọng điểm. Những quyết sách này cho thấy quyết tâm chính trị cao và cam kết cụ thể của Chính phủ về phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định bổ sung về hồ sơ, trình tự thẩm định, cấp giấy phép các hoạt động quan trắc, đánh giá tài nguyên biển. Những văn bản pháp quy này sẽ tạo hành lang pháp lý ban đầu để các chủ thể tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Kết quả phân tích của Ngân hàng Thế giới cho thấy triển vọng tích cực về tính khả thi và hiệu quả đầu tư cho điện gió ngoài khơi. Từ năm 2012 đến nay, suất đầu tư có xu hướng giảm mạnh, từ mức 255 USD/MWh xuống còn khoảng 80 USD/MWh. Với đà giảm giá như vậy, chi phí điện gió ngoài khơi có thể chỉ còn khoảng 58 USD/MWh vào năm 2030. Điều này có thể chứng minh được khoảng cách chi phí so với các nguồn điện truyền thống ngày càng được rút ngắn, từ đó thể hiện tính cạnh tranh ngày càng cao và tiềm năng thương mại hóa của điện gió ngoài khơi. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thu hút sự tham gia đầu tư của khối tư nhân và quốc tế. Trong kịch bản cao của Ngân hàng Thế giới, công suất điện gió ngoài khơi lắp đặt của Việt Nam có thể đạt 70 GW vào năm 2050, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Căn cứ vào 120 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi đã được đăng ký từ 20 địa phương với tổng công suất 166.822 MW trong quy hoạch điện VIII như sau:

TT
Địa phương đăng ký
Số dự án đề xuất
Công suất (MW)
1
Quảng Ninh
2
6.000
2
Hải Phòng
5
16.200
3
Thái Bình
2
3.700
4
Nam Định
1
12.000
5
Thanh Hóa
1
5.000
6
Hà Tĩnh
2
1.050
7
Quảng Bình
5
4.109
8
Quảng Trị
4
3.600
9
Bình Định
7
8.600
10
Phú Yên
8
3.350
11
Ninh Thuận
27
29.802
12
Bình Thuận
10
30.200
13
Bà Rịa - Vũng Tàu
7
6.160
14
Trà Vinh
7
10.300
15
Sóc Trăng
4
4.900
16
Vĩnh Long
2
400
17
Bến Tre
9
7.460
18
Bạc Liêu
10
5.255
19
Kiên Giang
1
236
20
Cà Mau
6
8.500
Tổng
120
166.822

Như vậy với tổng công suất trên cho thấy, tiềm năng gió tự nhiên tại Việt Nam phong phú, cùng với chủ trương và định hướng nhất quán của Đảng và Nhà nước, kết hợp với những cam kết chính trị mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cơ hội cho phát triển điện gió ngoài khơi là rất lớn.

Trong bối cảnh giá thành tiếp tục giảm và hành lang pháp lý tiếp tục được cải thiện thì sự hấp dẫn của thị trường sản lượng điện gió ngoài khơi Việt Nam sẽ còn gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả tiềm năng và cơ hội này, cần phải giải quyết tốt những thách thức và rào cản đang tồn tại, thông qua các biện pháp đồng bộ từ hoàn thiện về thể chế đến huy động nguồn lực.

Rào cản và thách thức

Mặc dù có nhiều tiềm năng và cơ hội, thế nhưng việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Một là, về hành lang pháp lý: Khung pháp lý và chính sách dành riêng cho điện gió ngoài khơi vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào điều chỉnh lĩnh vực này, mà chỉ mới được đề cập chung chung trong Quy hoạch điện VIII năm 2023. Luật Biển Việt Nam 2012 tuy có quy định chung về việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, nhưng chưa có hướng dẫn riêng về giao khu vực biển để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió.

Tương tự, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo 2015 mới chỉ đề cập đến hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển của đối tượng nước ngoài. Tuy nhiên chưa bao quát việc khảo sát, xây dựng các dự án kinh tế biển nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng có vốn đầu tư tư nhân. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 thiếu các quy định và hướng dẫn đặc thù về thủ tục đánh giá tác động môi trường cho các dự án năng lượng tái tạo trên biển. Nhìn chung lại vẫn thiếu một khung pháp lý đồng bộ và chi tiết, điều này đã tạo ra những khoảng trống và điểm nghẽn lớn khiến các bên liên quan, lúng túng trong việc cấp phép, xây dựng, thẩm định và triển khai dự án.

Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, điện gió ngoài khơi đòi hỏi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt hơn so với các dự án năng lượng tái tạo trên bờ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế giá điện riêng, ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất biển hay các hỗ trợ tài chính dài hạn dành cho các dự án điện gió xa bờ. Ngoài ra, rào cản hành chính và quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng còn khá phức tạp và kéo dài do liên quan đến nhiều bộ ngành và quy định chồng chéo.

Công tác quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn chưa được phê duyệt, nên các khu vực ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi chưa được xác định và phân bổ rõ ràng. Việc lập quy hoạch phát triển điện lực vì thế cũng thiếu căn cứ về mặt không gian và chưa tích hợp được với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác trên biển. Ngoài ra, số liệu đo gió, đánh giá địa chất, địa hình và các yếu tố kỹ thuật khác phục vụ quy hoạch còn chưa đầy đủ, hệ thống và chính xác. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong đánh giá, thống nhất các vùng biển phù hợp cần phải cải thiện hơn nữa.

Hai là, về hạ tầng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc hòa lưới điện cũng như chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu cần cho điện gió ngoài khơi còn hạn chế. Lưới truyền tải điện hiện nay chưa được quy hoạch để đáp ứng nhu cầu tích hợp nguồn điện gió lớn và ở xa bờ trong tương lai, đòi hỏi cần đầu tư nâng cấp. Hạ tầng cảng biển, đường giao thông, kho bãi tại những khu vực ven biển tiềm năng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe cho hoạt động lắp đặt, vận hành và bảo trì các nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn. Kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn còn mới mẻ đối với các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải, khảo sát và thi công trên biển. Những yếu tố này gây khó khăn và rủi ro cho việc triển khai các dự án điện gió quy mô lớn cũng như làm tăng đáng kể chi phí đầu tư.

Doanh nghiệp đề xuất các chính sách ban hành cần rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu dễ áp dụng
Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức về phát triển Điện gió ngoài khơi

Ba là, sự phối hợp liên ngành và chia sẻ trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực thi chính sách còn nhiều vướng mắc, cũng sẽ gây khó khăn cho việc phát triển điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng nhà đầu tư phải chịu mọi rủi ro khi tiến hành khảo sát do quy hoạch chưa cụ thể, đồng thời còn nhiều điểm chưa rõ như thẩm quyền cấp phép khảo sát, chấp thuận chủ trương đầu tư và thiếu quy định về điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Bộ Quốc phòng yêu cầu điều chỉnh quy mô dự án nếu chồng lấn khu vực quốc phòng và lưu ý đến an toàn hàng hải. Bộ Công an nhận định các quy định hiện hành chưa cho phép tổ chức nước ngoài khảo sát và chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục chấp thuận, quản lý hoạt động khảo sát trên biển. Bộ Ngoại giao nhấn mạnh sự cần thiết Khảo sát biển hiện nay phải tuân thủ các quy định về an ninh cảng biển và hoạt động của nước ngoài trên vùng biển Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải không đồng tình cấp phép khảo sát tại các khu vực chồng lấn với luồng hàng hải quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý hoạt động khảo sát không được làm ảnh hưởng tới các khu bảo tồn và nuôi trồng thủy sản. Những quan điểm chưa thống nhất giữa các bộ, ngành cho thấy cần thiết nâng cao hơn nữa vai trò điều phối và năng lực xử lý các vấn đề liên ngành của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện gió ngoài khơi.

Bốn là, vướng mắc về kỹ thuật, việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn có một số rào cản kỹ thuật cần sớm được giải quyết. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn chi tiết về diện tích khu vực biển được phép sử dụng để khảo sát, đánh giá tiềm năng dự án trên một đơn vị công suất (ha/MW). Trong khi đó, yêu cầu này có thể khác biệt đáng kể tùy thuộc vào đặc điểm từng vùng biển như tốc độ gió, độ sâu, chất lượng nền địa chất và loại turbine được sử dụng. Việc xác định công suất tối ưu cho một dự án cũng đang bị bỏ ngỏ do thiếu hướng dẫn và tiêu chí phù hợp. Quy mô dự án quá nhỏ sẽ không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, trong khi quy mô quá lớn lại gây khó khăn cho hệ thống truyền tải.

Năm là, Quy hoạch tổng thể Việt Nam chưa có kế hoạch dài hạn về tổng công suất điện gió ngoài khơi dự kiến khảo sát trong từng giai đoạn quy hoạch để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với chỉ tiêu đề ra. Tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án cũng chưa được định hình rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc sàng lọc các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và cam kết cần thiết. Công tác quy hoạch các vùng biển triển vọng cho phát triển điện gió cần được đầu tư bài bản hơn nữa để làm cơ sở định hướng cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Những rào cản về kỹ thuật cho thấy cần thiết phải nghiên cứu kỹ lưỡng và ban hành các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính chuyên biệt cho điện gió ngoài khơi.

Sáu là, thiếu hành lang pháp lý, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về việc cho phép hay không cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia khảo sát tiềm năng gió, địa chất và địa hình trên vùng biển Việt Nam. Sự thiếu rõ ràng này gây khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế khi muốn tham gia thị trường, đồng thời hạn chế khả năng học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ các quốc gia đi trước.

Các quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời gian chấp thuận cho các hoạt động điều tra, khảo sát và đánh giá tài nguyên biển còn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến quá trình xin cấp phép kéo dài, chậm tiến độ dự án.

Các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn rõ ràng về cách xử lý trong trường hợp nhiều chủ thể cùng đề xuất khảo sát chồng lấn trên cùng một khu vực biển. Các bên có được phép cùng thực hiện hay phải lựa chọn một đơn vị duy nhất thông qua đấu thầu.

Cùng với đó là thời gian tối đa để các cơ quan chức năng xem xét và chấp thuận hồ sơ xin khảo sát gió, địa chất, địa hình và đánh giá tác động môi trường chưa được quy định rõ, dẫn đến việc chậm trễ trong khâu phê duyệt, gia tăng chi phí và rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép khảo sát cũng cần ghi rõ thời hạn có hiệu lực cụ thể để tạo tính ổn định và yên tâm cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, điều này vẫn còn thiếu trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cuối cùng là Việt Nam chưa có yêu cầu bắt buộc về việc chủ đầu tư phải nộp báo cáo kết quả khảo sát cho cơ quan chấp thuận, cũng như nội dung và thời điểm gửi báo cáo. Vì vậy, các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng khảo sát.

(*) Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo

Bài 3: Cần có chính sách và quy định đầy đủ cho nhà đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Thiếu hành lang pháp lý để thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO