Để phát triển đẩy mạnh hoạt động khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết lập cơ chế và khung pháp lý hoàn chỉnh...
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 600.000 MW và nguồn năng lượng này có thể cung cấp tới 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035.
Và tại Quy hoạch điện VIII (được phê duyệt vào tháng 5/2023), Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt công suất điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW vào năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong nước. Quy mô này có thể được điều chỉnh tăng lên nếu công nghệ phát triển mạnh mẽ, giá điện hợp lý và chi phí truyền tải được tối ưu hóa. Định hướng đến năm 2050, công suất điện gió ngoài khơi có thể đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW.
Với mục tiêu đề ra, điện gió ngoài khơi được cho sẽ đóng góp một phần quan trọng vào nguồn cung điện của Việt Nam. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, điện gió ngoài khơi còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, tạo ra một nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, không ít ý kiến cho hay, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo ông Denzel Eades - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quốc tế Pioneer (Singapore), Việt Nam cần xây dựng một nền tảng phát triển bền vững cho ngành năng lượng gió ngoài khơi, đồng thời thiết lập khung pháp lý hỗ trợ cả đầu tư trong nước và quốc tế.
Vị này cho rằng, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, do đó, việc thu hút vốn từ các thị trường tài chính quốc tế là rất quan trọng.
“Mặc dù có thể huy động vốn từ các thị trường trong nước, nhưng đối với các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi, nguồn vốn quốc tế mới là yếu tố then chốt”, ông Denzel Eades cho hay.
Đồng thời bày tỏ, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các quy định bổ sung để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thu hút đầu tư. Khi các quy định này được ban hành, trọng tâm sẽ là làm sao để thu hút nguồn vốn quốc tế vào lĩnh vực này. Các vấn đề như cơ chế chia sẻ rủi ro, các ưu đãi tài chính và quy trình phê duyệt nhanh chóng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế…
Đồng quan điểm, bà Chee Ming Chan - Giáo sư tại Đại học Tun Hussein Onn (Malaysia) cũng cho rằng, Chính phủ cần có những quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chia sẻ rủi ro, và những khuyến khích tài chính để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp tạo ra nguồn vốn cần thiết mà còn giúp ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó, góp ý phát triển nguồn năng lượng ngoài khơi nói chung và năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng, TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa - Cố vấn cấp cao về Địa kỹ thuật tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy đề nghị, Việt Nam cần chú trọng đến các vấn đề như: cần có chính sách rõ ràng và biện pháp hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi;
Xây dựng quy hoạch không gian biển hợp lý để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tránh xung đột lợi ích giữa các ngành như thủy sản, quốc phòng và giao thông hàng hải; Cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật có khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng ngoài khơi;…
Được biết, liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Theo đó, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ, như: Ưu tiên huy động nguồn điện từ các dự án này; hệ thống lưu trữ điện được được xem là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế...
Đặc biệt, để khuyến khích phát triển nguồn điện này, Bộ Công Thương đề xuất dự án điện gió ngoài khơi được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng; giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong vòng 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành. Dự án cũng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng, sau đó tiếp tục được miễn theo quy định về đầu tư và đất đai.
Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi còn được xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn theo Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện để các dự án điện gió ngoài khơi được hưởng các ưu đãi trên là được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 01/01/2031…