Phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

PHƯƠNG THANH 03/12/2022 04:30

Được đánh giá là trung tâm năng lượng của châu Á Thái Bình Dương về sản xuất điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, tuy nhiên Việt Nam cần sớm bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý.

>>Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển

Chia sẻ tại “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh – Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022” mới đây, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP), đã có những nhận định về tiềm năng và thách thức để phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Để rõ hơn về những thuận lợi, cũng như khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP)

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP)

- Là nhà đầu tư nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm năng lượng của Châu Á Thái Bình Dương về sản xuất điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi dựa trên nguồn gió có chất lượng tốt, đặc biệt là ở phía Nam Việt Nam. Nhiều khu vực có đáy biển tương đối nông cùng đáy biển có cấu trúc vững chắc để hỗ trợ việc xây dựng.

Nếu tận dụng được tài nguyên gió ngoài khơi, Việt Nam không chỉ xây dựng được một chuỗi cung ứng nội địa, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đồng thời còn có khả năng thực hiện mục tiêu xuất khẩu năng lượng trong thời gian tới. Từ tiềm năng đó, tôi cho rằng thị trường Việt Nam rất hấp dẫn cho nên nếu có ý định bắt đầu hành trình điện gió ngoài khơi tại quốc gia này thì đây sẽ là một dự án cực kỳ có lợi cả về tài chính cho đất nước cũng như về an ninh năng lượng và đa dạng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu (đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch).

Nhiều doanh nghiệp phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trao đổi góp ý tại Diễn đàn

Nhiều doanh nghiệp phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trao đổi góp ý tại Diễn đàn

>>Nhiều thách thức phát triển điện gió ngoài khơi

- Theo ông, khu vực nào của Việt Nam được đánh giá là tiềm năng nhất để phát triển điện gió ngoài khơi? 

Các khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam, tuy nhiên khi xét về các điều kiện thuận lợi, sẽ có rất nhiều khía cạnh cần được đưa ra như nhu cầu năng lượng, khoảng cách đến lưới điện, cơ sở hạ tầng và truyền tải lưới điện hiện có/theo kế hoạch, độ sâu của nước, cơ sở cảng, các hạn chế về môi trường,... Những khía cạnh này là lý do tại sao ngành điện gió ngoài khơi luôn rất cần chú trọng vào việc thu thập nhiều thông tin tại các vị trí trọng điểm của dự án.

- Với kinh nghiệm của ông, thì quốc gia nào có các điểm tương đồng với Việt Nam trong lĩnh vực này?

Vùng lãnh thổ Đài Loan có thể coi là một ví dụ điển hình để Việt Nam tham khảo, đặc biệt là cách họ phát triển hành trình dự án điện gió ngoài khơi bằng các dự án thí điểm, cùng một cơ chế chuyển tiếp với biểu giá dựa trên việc đảm bảo ngày chạy thử để tạo ra năng lượng được truyền tới nhà thầu và sau đó là bên thứ ba chủ trì một cuộc đấu giá cạnh tranh công khai.

Một quốc gia châu Á khác cũng đang phát triển điện gió ngoài khơi là Hàn Quốc. Nhưng lộ trình phát triển ngành này tại đây còn ở giai đoạn sơ khai, từ việc khảo sát cho tới làm việc với Chính phủ về các quy định và chính sách, được coi như gần giống với Việt Nam. Vì vậy, tôi vẫn đánh giá Việt Nam sẽ là nơi có tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á trong ngành này.

Vậy CIP và COP đã có dự án chiến lược nào tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch này?

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là dự án có công suất 3,5GW với nguồn vốn đầu tư dự kiến lên đến khoảng 10,5 tỷ USD và hơn 4 tỷ USD sẽ được đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam thông qua các khâu triển khai, xây dựng. Dự án đang được phát triển tại tỉnh Bình Thuận, khi hoàn thành sẽ có thể tạo ra đủ điện cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam và tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi

Các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi

La Gàn được đánh giá là một trong những dự án điện gió ngoài khơi được phát triển sớm nhất tại Việt Nam, đã nhận được thư chấp thuận đầu tư của tỉnh, đồng thời cũng đã nộp giấy phép khảo sát ngoài khơi, đã nhận được tất cả các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ và hiện đang chờ Bộ TNMT phê duyệt.

Quyết định đầu tư dự án này do COP đã phát hiện thấy tiềm năng to lớn mà Việt Nam đang có về tài nguyên gió, nhu cầu năng lượng cũng như chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có năng lực và có thể chuyển giao. Trong đó có Bình Thuận là một khu vực thuận lợi để tận dụng các doanh nghiệp địa phương, cảng biển có sẵn tham gia vào ngành này và đây cũng là một tỉnh cởi mở, sẵn sàng đón nhận và khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi vì họ hiểu rõ những lợi ích mà ngành công nghiệp điện gió có thể mang lại. CIP và COP đã làm việc với tỉnh Bình Thuận trong suốt một thời gian và mong muốn tiếp tục nâng cao mối quan hệ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi và đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh.

Chúng tôi đang chờ Quy hoạch điện VIII ban hành, cũng như giấy phép chấp thuận khảo sát đầu tư và sẵn sàng thực hiện các cuộc khảo sát ngoài khơi để thu thập thêm dữ liệu để lên kế hoạch thiết kế dự án chi tiết và làm việc với các nhà cung ứng để triển khai dự án một cách tốt nhất.

- Bằng những kế hoạch đặt ra, cùng với các thuận lợi có đượcthì đâu là thách thức của ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi đánh giá còn rất nhiều khó khăn; Thứ nhất, các giấy phép khảo sát ngoài khơi hiện vẫn đang được bổ sung theo các quy định của pháp luật liên quan nên đến nay chưa được phê duyệt.

Thứ hai, cần sự chia sẻ thông tin để Chính phủ và chính quyền địa phương hiểu được về sự khác biệt giữa điện gió ngoài khơi với điện gió trên bờ và điện mặt trời do cần nguồn vốn lớn, cũng như sự phức tạp về kỹ thuật của ngành công nghiệp này do phải xây dựng một hệ thống sản xuất điện ngoài biển và đầu tư hệ thống truyền tải để đưa điện vào bờ.

Thứ ba, việc đảm bảo thỏa thuận mua bán điện có thể được thiết lập đồng bộ, rõ ràng để vận hành và quản lý đối với các nhà đầu tư dài hạn bởi họ phải bỏ chi phí đầu tư rất cao. Với các dự  án cơ hở hạ tầng lớn và quan trọng như vậy, sẽ cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để Chính phủ và các Bộ ban ngành đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp và kịp thời để phát triển ngành công nghiệp này. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề trên thì sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với đầu tư quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều thách thức phát triển điện gió ngoài khơi

    Nhiều thách thức phát triển điện gió ngoài khơi

    03:20, 27/11/2022

  • Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

    Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

    11:00, 07/11/2022

  • Đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

    Đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

    00:30, 04/11/2022

  • Doosan Vina hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi

    Doosan Vina hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi

    11:55, 04/11/2022

  • Hải Phòng: Xúc tiến thương mại và đầu tư với Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi

    Hải Phòng: Xúc tiến thương mại và đầu tư với Đan Mạch trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi

    01:56, 03/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO