Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, theo chuyên gia, trong xây dựng chính sách, cần rà soát, thay đổi những quy định gây khó khăn, cản trở...
Dù đã có nhiều bước tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, nhiều sản phẩm đã kết nối và vươn được ra nước ngoài, tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp cơ khí trong nước được cho vẫn có chất lượng và độ chính xác thấp, giá thành sản xuất lại cao, từ đó dẫn đến việc thiếu sức cạnh tranh.
Thực tế, thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị phần…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã nêu xuất phát từ việc ngành cơ khí Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những khó khăn hàng đầu là trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp, khi nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp đơn giản thay vì phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào công nghệ và nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam cũng chưa phát triển mạnh, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. Việc thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện nội địa khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.
Hơn nữa, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực hoặc chưa chú trọng đến việc đầu tư vào R&D, điều này làm giảm khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt hiện nay, ngành cơ khí chưa thật sự được nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò và sự cần thiết trong xây dựng, phát triển; các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí.
Vì vậy, để ngành cơ khí Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, yêu cầu các dự án kinh tế ưu tiên sử dụng hàng nội địa…
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nêu rõ: Đến năm 2025 ngành cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Theo ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME), nước ta đang có một số doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực chế tạo ô tô, xe máy và thủy điện như: Vinfast, Trường Hải, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam… các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp vệ tinh và người lao động. Song, ở nhiều ngành công nghiệp khác, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo…
Vì vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí, lãnh đạo NARIME mong muốn, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí trong nước có cơ hội đảm nhận các dự án, công trình trọng điểm của đất nước.
Đồng quan điểm, PGS TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhìn nhận, cơ bản công nghiệp nước ta vẫn là gia công, lắp ráp; công trình, dự án trình độ cao có nhưng rất ít. Trong cơ cấu ngành công nghiệp, vai vế của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chưa tương xứng khi phần đóng góp của nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, muốn phát triển ngành công nghiệp nền tảng thì doanh nghiệp trong nước phải mạnh. Trong xây dựng chính sách, cần rà soát, thay đổi những quy định gây khó khăn, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cũng cho hay, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Vì vậy, Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Từ đó sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng.
Được biết, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí theo tinh thần Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục đưa ra một số cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng luật về sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những vấn đề về kết nối, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi và phát triển thị trường.