Các chuyên gia cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội là giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân song cần tính toán kỹ để tránh trường hợp "ế hàng".
>>Bộ Xây dựng tạm dừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng
Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm Bộ Xây dựng đặt ra chính là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án trên, yêu cầu các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Nhiều cử tri cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện xác định quỹ đất có vị trí, quy mô phù hợp để phát triển nhà ở xã hội tập trung.
Với mục tiêu trên, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch thường trực Hội bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA) cho rằng tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, đất chật, người đông, giá đất quá cao, kể cả ở các vùng ven khiến người thu nhập thấp không thể đủ tiền để mua nhà ở vì thế xây căn hộ nhà ở xã hội sẽ hợp lý ở các thành phố lớn đắt đỏ.
Vị chuyên gia cho rằng ở các tỉnh với dân số không quá đông, giá đất còn phù hợp như Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quãng Ngãi, Bến Tre, Bình Phước... đua nhau xây dựng căn hộ nhà ở xã hội là không hợp lý.
Lấy ví dụ rõ hơn, ông Thân Thành Vũ cho biết, đơn cử đất vườn ở rìa Tp. Tân An, tỉnh Long An có giá không tới 1 triệu đồng/m2, nếu Nhà nước hỗ trợ cho chuyển đổi sang mục đích đất làm nhà ở xã hội thì giá đất thấp, chi phí xây dựng tại địa phương không cao, chỉ vài trăm triệu, người dân có thể có một ngôi nhà khang trang. Nhưng nếu phát triển nhà ở xã hội, khi hoàn thiện sẽ rơi vào mức giá 8 - 10 triệu đồng/m2, giá thành cũng như tại TP HCM hay Hà Nội.
Bên cạnh đó chung cư, nhà ở xã hội đòi hỏi công tác bảo trì bảo dưỡng, quản lý rất cực và tốn kém. Nhiều nhà ở xã hội tại TP HCM mới xây xong chưa tới 3 năm đã xuống cấp vì không có kinh phí bảo trì bảo dưỡng. Do vậy, việc phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương cần được tính đúng, không phát triển theo phong trào.
>>Để gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt hiệu quả khả thi
Trên thực tế, ngay trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng chịu cảnh "ế hàng", mở bán nhiều lần nhưng tỷ lệ hấp thụ kém. Có thể kể đến như dự án ở Quốc Oai, Hà Nội. Đây là dự án được chủ đầu tư nhanh nhạy chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội từ năm 2014 để kịp hưởng những ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà phải đi ra xa trung tâm thành phố.
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân.
Ông Đính cho rằng, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông. Việc phát triển nhà ở xã hội cần được tính toán kỹ càng để tránh trường hợp dư thừa.
Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội các địa phương hoàn thành khoảng 1.416.700 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn: Phấn đấu năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.000 căn. Nguồn lực thực hiện cũng giảm 280.500 tỷ đồng, tức chỉ cần 849.500 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm