Ông Đàm Quang Thắng – TGĐ Công ty TNHH Agricare Vietnam kiến nghị, Việt Nam nên có chính sách quy hoạch vùng để sản xuất công nghệ cao, quy hoạch sản phẩm cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều này, theo ông Thắng sẽ giúp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ về các quỹ mạo hiểm hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, ông Thắng cho rằng, đứng về phía doanh nghiệp nếu các quỹ nhìn thấy thị trường, lợi ích kinh tế, xã hội thì chắc chắn sẽ tham gia hỗ trợ, đầu tư để đưa công nghệ cao vào sản xuất.
“Nhà nước chỉ ra cơ chế, chính sách hoặc vốn mồi nếu có, còn tất cả vẫn là từ phía doanh nghiệp. Khi nói đến doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì đặc thù của doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi quy mô doanh nghiệp như thế nào để có đủ khả năng ứng dụng công nghệ cao, mà không phải công nghệ cao đều ứng dụng vào tất cả các doanh nghiệp”, ông Thắng nói.
Do đó, ông Thắng kiến nghị, Việt Nam nên tập chung vào những doanh nghiệp mũi nhọn, những doanh nghiệp có khả năng đầu tư và xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mà doanh nghiệp sẽ hướng tới, để khi đầu tư vào thì đã có được thị trường nhất định.
Còn theo ông Phạm Văn Nhã, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại, dịch vụ IMC Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương với nhau. Vì nếu muốn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào địa lý của mỗi vùng, miền.
Ông Nhã nêu ví dụ, tại Đông Anh (Hà Nội) trồng rau thì có thế áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, nhưng không thể triển khai giải pháp này ở Sơn La, vì đây là vùng trồng cây ăn quả. Hay dùng lượng phân bón cũng cần có sự đánh giá cụ thể từng vùng đất để đưa ra lượng phân bón phù hợp.
Ông Trần Quang Cường, CEO Nông nghiệp thông minh Next Farm chia sẻ, để đạt mục tiêu đưa công nghệ cao ứng dụng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, thì rất cần có những đề án dành cho doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam, với công nghệ và doanh nghiệp Việt.
Đối với vấn đề tín dụng, ông Cường đề xuất, Việt Nam nên có những gói vay với lãi suất ưu đãi ở mức tốt nhất, thời gian cho vay trung hoặc dài hạn. Như tại Hàn Quốc để có được những doanh nghiệp công nghệ cao như Samsung, Hyundai, Daiwoo trỗi dậy như ngày nay thì các chính phủ trước đây của Hàn Quốc đã có một cơ chế hỗ trợ vốn vay đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp này.
Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận thất bại có thể lên đến 90% khi doanh nghiệp công nghệ cao thua lỗ hoặc phá sản. Tuy nhiên, chỉ cần 10% thành công cũng sẽ là đà bật rất tốt để thúc đẩy cả một nền kinh tế. Và thực tế đã chứng minh những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã thành công ngoài mong đợi.
Bình luận về vấn đề vốn và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, cách trồng lúa bây giờ rất khác với mô hình trồng lúa từ xưa. Điểm khác biệt lớn nhất chính là công nghệ, công nghệ tạo ra cách làm mới, tạo ra sản xuất mới, hiệu quả cao hơn.
Nhưng muốn có công nghệ thì phải có vốn. Cho nên, vai trò của nhà nước, ngân hàng là hỗ trợ vốn cho nhà nông để cải tiến sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Thị Minh, cần đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay... bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Kinh nghiệm quốc tế trong thu hút FDI vào nông nghiệp
21:25, 02/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 3 - Vì sao doanh nghiệp “e dè”?
11:00, 02/12/2020
Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
18:32, 15/05/2019
Nghệ An không được phép “đi trước, về sau” trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao
19:46, 22/02/2019
Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ II): Khi chính quyền là “bà đỡ”
06:00, 07/02/2019