Tây Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp.
Tây Ninh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, Tây Ninhthu hút mạnh các nhà đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có có 146 dự án lĩnh vực chăn nuôi đang hoạt động, 51 dự án đang xây dựng. Các dự án đầu tư mới đều có hệ thống dây chuyền hiện đại, tự động, góp phần hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tháng 5/2024, tỉnh Tây Ninh khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỉ đồng và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN hiện đại áp dụng 100% công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, quy chuẩn quốc tế. Đây là dự án khởi đầu cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gà thịt, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) diện tích 685 ha tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây được xem là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam chuẩn bị mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại và hiện mô hình này đang được nhân rộng.
Trước đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng (cụm trại Hải Đăng) tại Tây Ninh. Đây là cụm siêu trang trại có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp này, với công suất 5.000 heo nái, 60.000 heo thịt.
Theo thông tin từ BAF, cụm trại Hải Đăng áp dụng những công nghệ chuồng hầm hiện đại với các trang thiết bị, hệ thống quản lý tự động và xử lý nước thải được nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, phân sẽ được xử lý bằng hệ thống cào, sau đó chuyển đến các tháp ủ phân. Tại đây, chất thải được ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra nước tưới cây, phân hữu cơ bón lúa (một sản phẩm khác của Tập đoàn Tân Long, công ty mẹ của BAF), góp phần giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.
Tháng 9/2023, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trang trại chăn nuôi gà theo mô hình trại lạnh khép kín do Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Miền Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 350.000 con gà/lứa (5 lứa/năm), xây dựng trên diện tích 67.394,8 m2 tại huyện Tân Châu, tổng vốn đầu tư 60 tỉ đồng. Dự kiến dự án khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 5/2025.
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nêu định hướng phát triển chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, đó là “khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững”. Yếu tố phát triển bền vững được nghị quyết Đại hội cụ thể hoá với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển các ngành, lĩnh vực và chỉ tiêu về môi trường.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh đều nhất quán quan điểm “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”.
Đối với ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ chuyên đề dành cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ chứng nhận GAP, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình tưới tiên tiến tiết kiệm nước để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh cho biết, hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã và đang tập trung triển khai áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ để giảm phát thải metan trên cây lúa. Đối với những loại cây trồng khác, đưa vào những quy trình sản xuất để giảm phát thải, giảm tiêu thụ những loại nhiên liệu hoá thạch, phân bón thuốc, trừ sâu, đồng thời tăng khả năng hấp thụ CO2 của cây trồng; tăng việc tích luỹ CO2 trong đất…
Ngành nông nghiệp vẫn được xem là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Kể từ sau giai đoạn dịch COVID-19, nông nghiệp tỉnh vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế; vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng ổn định từ 3 – 3,5%/năm, đóng góp gần 20% giá trị vào cơ cấu GRDP của tỉnh.
Tây Ninh có những lợi thế đặc trưng về khí hậu ôn hòa, ít thiên tai, địa hình tương đối bằng phẳng, dư địa sản xuất nông nghiệp còn lớn, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện rất phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Tỉnh Tây Ninh đã ổn định diện tích canh tác lúa 60.800 ha (gieo trồng đạt 140 nghìn ha lúa/năm), vùng trồng cao su 100.000 ha, vùng nguyên liệu mía 7.000 ha, vùng nguyên liệu mì 60.000 ha, vùng cây ăn trái 23.000 ha. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 9,9 triệu con, sản lượng thịt gia cầm 62.460 tấn/năm; sản lượng trứng đạt 900 triệu quả/năm... Ngành Nông nghiệp Tây Ninh tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
“Những chính sách khuyến nông và các lợi thế khi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ từng bước tăng giá trị nông sản, tiếp cận thị trường quốc tế chuyên nghiệp bài bản hơn.... Sự hưởng ứng tích cực và nỗ lực rất cao của các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các hộ nông dân sẽ góp phần sớm đưa Tây Ninh trở thành một địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam” - ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Ninh Xanh được xác định là một trong 7 chương trình đột phá để thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Trong định hướng thu hút đầu tư cũng có sự chọn lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…