Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế trải nghiệm nhờ công nghệ 4.0

THY HẰNG 17/02/2024 18:00

Bộ trưởng khẳng định, nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được.

>>>Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp

Tại Tọa đàm với chủ đề “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh, đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng hướng tới đáp ứng được nhu cầu về vật chất, tinh thần của con người.

Tọa đàm với chủ đề “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt”.

Tọa đàm “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt”.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước diễn biến khó lường, ngành nông nghiệp kết thúc năm 2023 với nhiều dấu ấn thành công, đặc biệt tư duy kinh tế và tư duy thị trường nông nghiệp tiếp tục được mở rộng.

Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp phải chủ động tạo ra nguyên liệu ổn định, giúp nông dân về con giống, quy trình canh tác.

“Bản thân doanh nghiệp cũng phải thoát khỏi tư duy mua bán vì tư duy này sẽ làm rối thị trường. Khi liên kết với nhau thì cần cân bằng lợi ích giữa nông dân với lợi ích của doanh nghiệp để cả hai bên cùng thắng. Còn nông dân cần thay đổi và cơ quan chức năng giúp nông dân không phải bằng tiền mà phải có gói tín dụng gói hỗ trợ; đồng thời sâu xa hơn nữa là tri thức, kiến thức”, Bộ trưởng nói.

Trong câu chuyện chia sẻ, Bộ trưởng khẳng định, nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa – rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái. Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình này giúp nông dân giảm chi phí. Bởi khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng.

“Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Theo tôi, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

 >>>Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: “Hợp long” cho nông nghiệp 2024

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. “Đối với ngành nông nghiệp, cách tiếp cận này không chỉ tập trung tăng cường sản xuất mà còn chú trọng đến việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị xã hội của sản phẩm. Theo đó, trải nghiệm có thể là không gian mua sắm, thiết kế nhãn hiệu, câu chuyện về nguồn gốc nguyên liệu…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế.

Người tiêu dùng thông minh ngày nay thường ưa chuộng các ý tưởng mới. Đa phần người mua hàng đều ý thức được về chuỗi sản xuất, cũng như hậu quả của lựa chọn tiêu dùng. Nhiều người sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho thực phẩm có nguồn gốc hợp lý, phát thải thấp, qua đó chung tay bảo vệ trái đất.

Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường, doanh nông Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản có trách nhiệm và giá trị xã hội, ứng dụng các nền tảng số để truyền tải thông điệp nhân văn.

Đặc biệt, việc lồng ghép các yếu tố văn hóa, xã hội để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản đã trở thành một xu hướng thiết yếu. Điển hình, HTX Chè Thịnh An (Sông Cầu, Thái Nguyên) có định hướng phát triển bài bản thương hiệu sản phẩm.

Nơi đây thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu; cây chè và sản phẩm trà Sông Cầu tích lũy tinh túy của đất trời, hấp thụ sương lành, nắng mai và khí thiêng của vùng đất trung du miền núi, qua bàn tay tâm huyết kinh nghiệm, chắt chiu nắng, gió, sương mai của những nghệ nhân làm chè. 

Viện dẫn câu chuyện về ẩm thực cá tra từ món bún cá tra Miền Tây ơi và cháo dạ dày cá tra được Nam Việt và MEFAST bắt tay phối hợp nghiên cứu chế biến hướng đến nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tỉ đô thông qua đổi mới sáng tạo và nghệ thuật ẩm thực cũng như xuyên suốt chương trình, Bộ trưởng mong muốn truyền tải thông điệp “kết nối để cùng nhau tạo cộng đồng nâng tầm nông sản Việt”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp

    05:00, 14/02/2024

  • Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: “Hợp long” cho nông nghiệp 2024

    04:30, 06/01/2024

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp vượt cơn gió ngược

    21:46, 03/01/2024

  • Nông nghiệp năm 2024: Chuyển mạnh "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"

    02:00, 02/01/2024

  • Vốn đâu cho doanh nghiệp nông nghiệp làm lớn?

    03:30, 31/12/2023

  • Ba đột phá cho phát triển nông nghiệp xanh

    20:00, 30/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế trải nghiệm nhờ công nghệ 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO