Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp diễn ra ngày 18/4/2019 tại TP. HCM.
Những năm trước đây, đặc biệt trong giai đoạn khắc nghiệt 2008-2010, khi ngân hàng không dám giải ngân cho doanh nghiệp, 2 bên mất niềm tin với nhau, sáng kiến kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được đưa ra, cơ quan quản lý địa phương cùng vào cuộc để doanh nghiệp gặp được ngân hàng, đã góp phần giải nút thắt khó khăn của giai đoạn đó.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HUBA, hiện nay, có một số vấn đề các doanh nghiệp đang hết sức băn khoăn.
Thứ nhất, đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khi ký kết hợp đồng tín dụng, thường phải đưa ra tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, thậm chí chủ doanh nghiệp SME phải đưa tài sản của gia đình, của vợ con ra thế chấp. Do đó, doanh nghiệp SME đang rất cần khối ngân hàng làm sao để nâng hoạt động cho vay tín chấp, xét trên các yếu tố của hoạt động doanh nghiệp như dòng tiền, dự án, các vị trí trong ngành nghề của doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm
07:12, 11/04/2019
18:04, 05/04/2019
00:05, 05/04/2019
16:16, 04/04/2019
17:05, 19/09/2018
"Ngân hàng không nên nhất nhất yêu cầu doanh nghiệp SME phải có thế chấp. Cần cải tạo, có cơ chế thoáng hơn. Bởi thực tế việc được vay tín chấp đối với doanh nghiệp SME hiện tại đang quá khó, trong khi đó, họ lại là nhóm doanh nghiệp yếu về tài sản, về thủ tục hành chính, rất cần có nhu cầu được hỗ trợ. Cần làm sao để hạn chế được tâm tư, nỗi lo của các chủ doanh nghiệp SME khi họ cứ phải mang tài sản cá nhân ra vay tiền", ông Trần Việt Anh nói.
Thứ hai, ngân hàng cần ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có nhu cầu vay vốn ngoại tệ. Hiện tại, cơ chế vay vốn ngoại tệ đang siết lại để chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp rất cần ngân hàng đánh giá riêng cho từng doanh nghiệp, chẳng hạn như về doanh thu, về nhu cầu, về hoạt động..., trên cơ sở đó có thể không phải cứ thoáng cho vay ngoại tệ chung như trước đây mà cần có cơ chế riêng phù hợp và hỗ trợ cho từng doanh nghiệp hoạt động.
Thứ ba, ngân hàng không nên xa cách doanh nghiệp quá nhỏ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp quá nhỏ rất thiếu tự tin khi tiếp cận ngân hàng. Chúng ta vẫn đã và đang nói rất nhiều về công nghệ cao, nhưng chúng ta cũng biết có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động với công nghệ thủ công, truyền thống..., mà không thể thay thế bằng công nghệ cao... Bởi vậy, vốn ngân hàng cũng rất ít khi chịu đến với họ. Trong khi đó, các doanh nghiệp quá nhỏ như nhóm rổ, rá, tre đan, hay đôi khi làm một xưởng bánh quy mô từ 5 người... không thể thay thế công nghệ, khi hiệu quả hoạt động với công nghệ truyền thống của họ lại phù hợp, đặc trưng.
"Chúng ta có 3 phân khúc: Công nghệ cao, công nghệ trung bình và công nghệ truyền thống - mà ta hay gọi là công nghệ cũ. Với nền kinh tế Việt Nam, không thể không có doanh nghiệp truyền thống, làm ra các sản phẩm nhỏ mà thường các nước không làm nhưng thậm chí dù họ không tên tuổi, họ vẫn được đặt hàng của các hãng lớn quốc tế. Ngân hàng cần gần với các doanh nghiệp truyền thống-quá nhỏ này", ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Thứ tư, chương trình hỗ trợ sản phẩm chủ lực của TP.HCM cần ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành.
Theo Phó Chủ tịch HUBA, nhiều lĩnh vực kinh doanh tại TP HCM, có các doanh nghiệp gắn bó rất lâu năm. Sự gắn bó dài lâu khiến các chủ doanh nghiệp này có tiếng nói nhất định đối với khách hàng, với thị trường. Kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của họ cũng khiến doanh nghiệp ít rủi ro. Ví dụ những ngành như bút viết, văn phòng phẩm, bột mì... đều có những doanh nghiệp như vậy. Do đó, rất cần được TP. HCM cũng coi đó là những sản phẩm chủ lực đáng được hỗ trợ.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch HUBA đề xuất TP HCM và hệ thống ngân hàng cũng cần chú ý đến các lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang rất có nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ và tham gia khai thác là xử lý nước thải và rác thải. "Nhiều doanh nghiệp đang rất mong được ngân hàng tư vấn, hỗ trợ", ông Trần Việt Anh kiến nghị.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM. Ông cho rằng TP.HCM là cái nôi của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để từ đó NHNN triển khai nhân rộng ra các tỉnh thành khác trên địa bàn cả nước trong các năm vừa qua. "Các NHTM và các doanh nghiệp cần đưa ra những thảo luận, góp ý, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả quá trình kết nối giữa hai bên, tạo điều kiện để ngân hàng vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, vừa đảm bảo được những chỉ tiêu an toàn về vốn, đổi lại, doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn lãi suất ưu đãi và sử dụng hiệu quả vòng quay vốn tín dụng từ các ngân hàng", ông Tú nhấn mạnh.
Năm 2019 tại địa bàn TP.HCM, có 15 NHTM đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký cho vay khoảng 269.262 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2019, các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 doanh nghiệp theo chương trình nói trên. |