Chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp... là những hạn chế được chỉ ra sau 1 năm triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến những tồn tại khác như chưa có khung khổ pháp lý cụ thể để các địa phương có căn cứ triển khai, chưa có hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo DNNVV, chưa có hướng dẫn các địa phương về hình thành quỹ đất để hình thành phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho DNNVV…Những hạn chế này đã được đưa ra tại Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hôm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, nhằm khắc phục những hạn chế trong nội tại các quy định pháp lý trước đây về hỗ trợ DNNVV, sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng và Nhà nước về đảm bảo các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Theo đó, đây là Luật đầu tiên của Việt Nam về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nếu như, Luật Doanh nghiệp nhằm ghi nhận, thừa nhận tư cách pháp lý của các doanh nghiệp, là khung pháp lý điều chỉnh vấn đề về thành lập, tổ chức, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, thì Luật Hỗ trợ DNNVV mang tính nuôi dưỡng, trợ giúp các doanh nghiệp này phát triển mạnh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 26/08/2018
16:00, 21/08/2018
17:31, 07/08/2018
17:04, 07/08/2018
Theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập, hỗ trợ đăng ký, công bố thông tin doanh nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ về thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu, lệ phí môn bài, tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán. Đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa…
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, bên cạnh khuyến khích khởi nghiệp, nếu không có những giải pháp và hành động cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo đó, ông Nam cũng thông tin, “hiện cả nước có hơn 2 triệu hộ kinh doanh, chỉ cần 10% trong số này chuyển đổi lên doanh nghiệp thì chúng ta đã đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp”.
Thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu quả, đưa Luật đi vào cuộc sống trên diện rộng và gia tăng mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, ngày càng hiệu quả hơn