Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý phải tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện các giao dịch bảo đảm, không phát sinh thủ tục hành chính, không phát sinh tiêu cực khi sửa đổi cách ghi tên trong sổ đỏ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung cách ghi tên chủ sử dụng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có thể bạn quan tâm
|
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung quy định ghi tên người sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, quy định cụ thể về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Phó Thủ tướng lưu ý phải tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện các giao dịch bảo đảm, không phát sinh thủ tục hành chính, không phát sinh tiêu cực trong tổ chức thực hiện.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Thông tư trên hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất.
So với quy định cũ, Thông tư 33 đã bổ sung đối tượng "những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".
Nội dung này ngay sau đó đã gây nhiều băn khoăn, dư luận trái chiều, bởi được cho là nếu ghi tên đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình sẽ gặp khó khăn khi mua bán, chuyển nhượng, làm rắc rối thêm các thủ tục hành chính.
Cũng chính vì những phản ứng của nười dân nên sau đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định: "Do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ tại khoản 5 Điều 6 Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5/12/2017 như dự kiến".
Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại, việc ghi tên các thành viên trong gia đình sẽ làm khó khăn trong việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp.
Theo đó, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Như vậy, Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng việc yêu cầu các thành viên đều đứng tên trong sổ đỏ cũng là cách góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bởi việc này cũng là một cách để kiểm kê tài sản của những người cần phải kê tài sản.
“Đây là cách nên làm nhưng mà cũng phải tránh tình trạng khi thông tư ra đời làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, chi phí cho người dân” – ông Hoàng cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ chắc chắn sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính để chứng minh tài sản đó thuộc về ai và đáng ngại nhất là câu chuyện thực thi ở các địa phương, không khéo nhiều nơi sẽ đặt ra quy định phức tạp làm khổ dân.