Uỷ ban cũng cần phân tách chức năng với doanh nghiệp, vai trò Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, không thực hiện kinh doanh vốn.
Chủ trì buổi làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về tình hình tiếp nhận và thực hiện quyền trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thành lập Uỷ ban được đánh giá là một trong những sự kiện kinh tế tiêu biểu đánh dâú bước ngoặt quan trọng.
Phó Thủ tướng cho biết, đã có quan điểm này từ rất lâu và bây giờ chúng ta mới thực hiện được, đánh giá sự kiện lớn cho bước chuyển về tư duy với quá trình chuẩn bị đề án rất công phu, kỹ lưỡng có cả tư vấn của các tổ chức quốc tế như WB, JICA... Trước đây Ban kinh tế Trung ương đã xây dựng và xin ý kiến.
“Nói vậy để thấy chúng ta đã thai nghén từ rất lâu và đây là thời điểm chín muồi. Ngay cả khi xây dựng mô hình cũng có đến 3 phương án được xây dựng. Mô hình phân định chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, việc thực hiện tập trung một đầu mối quản lý vốn nhà nước, ta phải quán triệt tinh thần này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng việc thành lập Uỷ ban có nhiều thuận lợi như: Thứ nhất Nghị quyết Trung ương 5, có Luật quản lý đầu tư nhà nước, có Luật về cổ phần hoá, Chính phủ có nhữg nghị quyết và hoạt động về kiện toàn bộ máy thúc đẩy... Thuận lợi thứ hai là đúng nguyện vọng của người dân là có cơ quan gánh vác để hoạt động kinh doanh đồng vốn nhà nước có hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước vì suy cho cùng đồng vốn nhà nước là của dân.
Tuy nhiên, qua 6 tháng hoạt động với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đã bộc lộ những khó khăn, Phó Thủ tướng nhận định, thứ nhất, nhiều dự án DNNN kinh doanh thua lỗ, yêu cầu không được dùng thêm nguồn lực vốn nhà nước để gỡ khó khănm yếu kém. Định giá nhà máy giấy 1.700 tỷ mang ra đấu giá không ai đăng ký tham gia. Giảm 10% cũng không ai mua nhưng không có cách nào khác. Chúng ta đã có tiến bộ nhiều nhưng nhiều vấn đề không phải ngày 1 ngày 2 muốn giải quyết là không được.
“Những thách thức này không phải do uỷ ban mới ra đời có mà là tồn tại từ trước và không phải ngày 1 ngày 2 là giải quyết được. Bây giờ chỉ là thay đổi cách làm Uỷ ban sẽ là đầu mối giải quyết”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng những sửa đổi bổ sung về luật còn vướng mắc chưa thể đồng bộ, tác động tới đầu tư công, đầu tư DNNN, cho nên khó khăn là sẵn có và nảy sinh trong quá trình thực hiện.
“Kỳ vọng của người dân vào Uỷ ban rất lớn, do đó đòi hỏi phải có sự chuyển biến lớn. Đòi hỏi nhiều thì thanh tra giám sát hay phản biện xã hội sẽ càng nhiều”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Các Bộ ngành và cá nhân Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động gần 6 tháng của Uỷ ban. Theo đó, sau 6 tháng đi vào hoạt động, Uỷ ban đã tham gia đóng góp vào hoàn thiện ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP. Cùng với đó, Uỷ ban đã cơ bản hình thành được bộ máy với 8 vụ và 1 trung tâm cùng các thiết chế cơ bản 44 quy chế đã được ban hành.
Có thể bạn quan tâm
14:52, 26/03/2019
16:20, 15/11/2018
11:01, 10/11/2018
19:18, 01/10/2018
17:15, 30/09/2018
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Uỷ ban vẫn được tiến hành.
Về những đề xuất khó khăn mà Uỷ ban nêu ra, Phó Thủ tướng đánh giá có những khó khăn nảy sinh do cách hiểu chứ không hẳn là vướng mắc. Theo Phó Thủ tướng có vướng mắc cơ bản là xác định phương án sử dụng đất làm chậm quá trình cổ phần hoá.
“Ví dụ ngân hàng nông nghiệp ở khắp 63 tỉnh thành phố, mà đất đai chưa có phương án thì Chính phủ chưa xem xét. Do đó, cần hoàn thiện lại báo cáo tổng hợp những khó khăn trong đó phân loại những vướng mắc khó khăn thuộc về doanh nghiệp hay khó khăn của Bộ, thậm chí vướng mắc thuộc Chính phủ để các Bộ có ý kiến thống nhất xin chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.
Phải quán triệt theo đúng tinh thần của Đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt. Trước mắt tập trung vào đó vì đã đầy đủ không thiếu đơn vị nào.
“Tôi yêu cầu Uỷ ban vốn các cấp ngành quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị định 131/2018/NĐ-CP, tránh tình trạng Uỷ ban làm việc của quản lý Nhà nước và cơ quan nhà nước thực hiện chồng chéo chức năng đại diện chủ sở hữu của Uỷ ban”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Tập đoàn Tổng công ty có quyền của người ta, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đều có quy định về chức năng của họ. "Do đó cần phân tách chức năng, việc của Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Uỷ ban không thực hiện kinh doanh vốn, quan niệm thực hiện kinh doanh vốn là hoàn toàn sai lầm, đây là chức năng của SCIC”, Phó Thủ tướng nói.
Uỷ ban quản lý vốn thực hiện đẩy mạnh phê chuẩn kế hoạch kinh doanh của 19 tập đoàn tổng công ty, tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, bộ máy, đầu tư... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đây là thách thức lớn nhưng cần quyết liệt khắc phục.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn có báo cáo chính thức về tình hình kiện toàn bộ máy và triển khai các nhiệm vụ trong đó có việc tiếp nhận tập đoàn, tổng công ty gồm những khó khăn vướng mắc cụ thể khi tiến hành tiếp nhận.