Phối hợp chặn đứng vi phạm kinh doanh trên mạng xã hội

HOÀI ANH 27/06/2020 20:22

Các vi phạm khi kinh doanh trên các ứng dụng mạng xã hội đang ngày càng bùng nổ, đòi hỏi sự phối hợp mạnh để chặn đứng và xử lý.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp cùng thành viên Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) kiểm tra đột xuất một tổng kho có cơ sở tại Thanh Oai, Hà Nội, phát hiện hơn 10.000 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu Gucci và Sensodyne.

Theo đại diện Đội QLTT số 1, cơ sở này kinh doanh hàng hóa là quần áo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... hoạt động ẩn sâu trong khu dân cư và chỉ sử dụng tài khoản facebook có tên “Tổng kho Huyền Trang” để giao dịch mua bán, giao nhận hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang có 7 nhân viên sử dụng máy tính và điện thoại di động để trao đổi, giao dịch với khách hàng trực tuyến online.

Trước đó, Cục QLTT Hà Nội cùng Tổ 368 cũng thu giữ hơn 5.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas tại cơ sở kinh doanh giày dép ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) do bà Trần Thị Thanh Duyên làm chủ. Chủ cơ sở sử dụng tài khoản Zalo có tên “Giầy” với số điện thoại và tên của bà Duyên để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đáng chú ý, đây đều là những tài khoản mạng xã hội có lượng tương tác cao, được rất nhiều nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng. Để tăng độ tin cậy, cửa hàng không chỉ dùng hình ảnh tĩnh mà còn livetream (phát sóng trực tiếp) để quảng cáo, bán sản phẩm. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng không biết được mình đang xem và mua phải hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu lớn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hệ thống Ansan Cosmetics - đơn vị có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hệ thống Ansan Cosmetics - đơn vị có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

Một số vụ vi phạm về việc sử dụng mạng xã hội để bán hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc đã bị triệt phá kể từ khi Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) (tháng 3/2020) đến nay. Theo Tổng cục QLTT, hiện có tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Tổng cục QLTT nhận thấy, đây là lĩnh vực vừa mới vừa khó đối với công chức QLTT. Đặc biệt, nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng do tâm lý ngại va chạm, số lượng, số tiền ít nên không tố giác hành vi vi phạm. Quan trọng hơn là các đối tượng vi phạm sau khi dùng tài khoản bán hàng đã đóng/xóa tài khoản để thiết lập một tài khoản khác cho mục đích lừa đảo tiếp theo. Do đó người tiêu dùng muốn tố giác cũng không còn chứng cứ.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.

Ngoài ra, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trước thực trạng trên, đại diện Tổng Cục QLTT cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế, rà soát phân loại các website, thời gian tới, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Facebook.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như công an, ngân hàng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, giới kinh doanh online tại Việt Nam cần lưu ý

    Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, giới kinh doanh online tại Việt Nam cần lưu ý

    05:08, 06/06/2020

  • Thu thuế bán hàng qua Facebook: “Điểm được mặt” nhưng khó quản

    Thu thuế bán hàng qua Facebook: “Điểm được mặt” nhưng khó quản

    10:20, 09/06/2017

  • Chống hàng giả tuần qua: Phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

    Chống hàng giả tuần qua: Phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

    10:30, 30/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phối hợp chặn đứng vi phạm kinh doanh trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO