Phụ nữ lãnh đạo & tổ chức học tập

ANH VÂN – Phó Chủ tịch Hanoi Club 29/03/2023 01:00

Các nhà lãnh đạo nữ thường có xu hướng xây dựng cơ cấu tổ chức phẳng (flat organization structure), nơi mọi thành viên đều có thể chia sẻ các ý kiến, không kể cấp bậc.

Điều cốt lõi của tố chất lãnh đạo là khả năng ảnh hưởng tới người khác, tới tổ chức. Phụ nữ lãnh đạo với nhiều đặc điểm nổi trội liên quan đến trí tuệ cảm xúc (EQ) được coi là sẽ giành nhiều ưu thế trong các tổ chức học tập (Learning Organization).

Tổ chức học tập (tiếng Anh: Learning Organization) là một tinh thần tổ chức (doanh nghiệp) mà ở đó các thành viên không ngừng học hỏi từ mọi thứ họ làm, và cả những thứ họ không làm. Các thành viên liên tục tiếp thu, chia sẻ, áp dụng kiến thức mới trong quá trình làm việc và ra quyết định.

Ý tưởng về tổ chức học tập trở nên phổ biến chủ yếu nhờ cuốn sách "Nguyên lí thứ 5" của Peter Senge, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1990. Ngoài lý thuyết của Peter Senge, cũng có khá nhiều các mô hình tổ chức được đề cập tới. Bởi vậy, có thể thấy rằng đây không hẳn là một xu thế mới, nhưng ngày càng trở nên phổ biến, trong bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu có quá nhiều thay đổi to lớn trong một thời gian ngắn.

Khi chia sẻ và hỗ trợ là tinh thần của tổ chức học tập

Trong một tổ chức học tập, tinh thần được đề cao hàng đầu chính là tinh thần không ngừng học hỏi từ chính công việc nội tại, lẫn bổ sung các kiến thức – kỹ năng từ bên ngoài cho từng cá nhân. Theo bà Hoa Linh – Positive Coach, một chuyên gia khai vấn về tư duy tích cực và trải nghiệm khách hàng, người cũng có hơn 10 năm làm việc trong các tổ chức học tập, thì: “Doanh nghiệp có tinh thần của tổ chức học tập chính là tạo ra “Văn hoá học tập tự thân” từ mỗi cá nhân. Ai cũng tự tìm ra nhu cầu học tập cho bản thân để bổ sung vào cái mình còn thiếu thay vì ngồi chờ doanh nghiệp cử đi học những điều đó.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể và cá nhân đoạt giải. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể và cá nhân đoạt giải. Ảnh: Dương Giang

Trở lại với ý tưởng về tổ chức học tập theo tinh thần mà tác giả Peter Senge đã đề cập đến trong cuốn sách "Nguyên lí thứ 5", theo đó, “tầm nhìn chia sẻ” là một đặc điểm quan trọng. Trong một tổ chức học tập, điều mấu chốt là một tầm nhìn chung về việc đề cao năng lực sáng tạo của từng cá nhân, cũng như những nỗ lực hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung. “Để làm được điều này thì người đứng đầu doanh nghiệp phải là một tấm gương về tự học tập thì mới có ảnh hưởng đến mọi người” – bà Hoa Linh chia sẻ thêm.

Tầm nhìn của một tổ chức luôn thể hiện chính họ ở thì tương lai: kỳ vọng – khao khát – mục tiêu – đích đến. Nói một cách khác thì đó chính là động lực vươn tới cho toàn thể đội ngũ. Và tầm nhìn này cần được chia sẻ, hay nói cách khác là truyền thông hiệu quả, lặp đi lặp lại, đảm bảo toàn bộ đội ngũ đều thấu suốt. Tầm nhìn cũng cần được chia sẻ ở mọi cấp độ trong doanh nghiệp, chứ không thuần tuý áp đặt từ trên xuống dưới. Đặc biệt, tầm nhìn có thể thay đổi, và tại các thời điểm thay đổi, việc chia sẻ (truyền thông) càng cần phải có một chiến lược tập trung hiệu quả.

Luôn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa tầm nhìn của các cá nhân và tầm nhìn của doanh nghiệp. Đó chính là lý do tại sao việc học hỏi không ngừng trong tổ chức cần được đặt lên hàng đầu. Các nhà lãnh đạo tài ba sẽ biết cách để trở thành người truyền cảm hứng về học tập. Các nhà quản lý sẽ cùng chia sẻ và tạo ra một hệ thống nhằm thúc đẩy tinh thần trong các bộ phận. Các nhân sự khác sẽ đóng vai trò đúng đắn của họ - học hỏi và phát triển không ngừng.

 Nữ doanh nhân trình diễn áo trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Trung tâm UNESCO hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Nữ doanh nhân trình diễn áo trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Trung tâm UNESCO hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Các nhà lãnh đạo nữ thường có xu hướng xây dựng cơ cấu tổ chức phẳng (flat organization structure), nơi mọi thành viên đều có thể chia sẻ các ý kiến, không kể cấp bậc. Nữ lãnh đạo cũng có xu hướng thích làm việc tập thể. Họ cũng là người ham thích việc chia sẻ, kết nối và hỗ trợ. Với khả năng linh hoạt và dễ thích nghi hơn, các nữ lãnh đạo thường có năng lực chuyển đổi cao hơn. Họ cũng có xu hướng yêu thích việc quan tâm và dành nhiều thời gian để huấn luyện nhân viên hơn so với các lãnh đạo nam giới.

Sức mạnh mềm của lãnh đạo nữ

Tư duy hệ thống, học hỏi theo nhóm và làm chủ cá nhân là các đặc điểm tiếp theo của một tổ chức học hỏi. Các đặc điểm này nghe qua thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế lại vô cùng gắn kết. Và các lãnh đạo thể hiện sức mạnh mềm trong các đặc điểm này như thế nào?

Một số kết luận chủ quan có thể cho rằng tư duy hệ thống của lãnh đạo nữ có đôi phần thua kém so với người đồng cấp khác giới. Nhận định này tới từ sự khác biệt tự nhiên về cấu trúc tư duy. Đàn ông có xu hướng tư duy theo hướng logic, còn phụ nữ lại thiên về cảm xúc. Khi nhìn nhận vấn đề, đàn ông tiếp cận theo hướng tổng quát (general), còn phụ nữ lại chú trọng tới chi tiết (detail).

Tuy nhiên, như đã nói, trong một tổ chức học hỏi, việc kết nối – chia sẻ - học tập lẫn nhau luôn diễn ra, và các khác biệt cũng sẽ được rút ngắn. Cùng với đó, trong các công việc hàng ngày đòi hỏi sự quan tâm tới chi tiết và cảm xúc, thì thế mạnh của lãnh đạo nữ lại có cơ hội phát huy nhiều hơn.

“Các tổ chức không thể học hỏi cho đến khi các thành viên của tổ chức bắt đầu học hỏi – đó là một yếu tố được nhấn mạnh trong mô hình tổ chức học hỏi của Senge” - Ông Hoàng Sỹ Quý, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Quản lý Dự án Bittrain, đơn vị được thành lập với mong muốn được góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý dự án doanh nghiệp, cho biết. Ông Quý cũng cho rằng: Trong doanh nghiệp, quá trình đào tạo luôn được quan tâm bởi các lãnh đạo. Tuy nhiên, việc xây dựng tổ chức học hỏi hoàn toàn không phải là ý chí áp đặt từ trên xuống dưới, mà là sự truyền tải tinh thần theo hướng lan toả. Nguyên tắc học hỏi theo nhóm bắt đầu bằng giao tiếp. Các thành viên phải xác định họ là đồng nghiệp của nhau, chứ không phải kẻ thù. Mỗi người đều sẵn sàng đón nhận những phê bình hay chấp nhận việc ý kiến của mình có thể bị bỏ qua không được quan tâm tới.

Cùng với tư duy hệ thống là việc học hỏi theo nhóm (team learning). Điều này một lần nữa nhấn mạnh vào sự chia sẻ và hợp tác. Việc tương tác giữa các thành viên luôn giúp cho tiến trình học hỏi được hiệu quả và bền vững hơn. Trong làm việc nhóm, sự ý nhị trong giao tiếp cũng như khả năng bẩm sinh là đồng cảm và coi trọng các mối quan hệ, lãnh đạo nữ luôn có xu hướng khiến cho việc giao tiếp trở nên ôn hoà và dễ chịu hơn. Điều này cũng tạo điều kiện cho các thành viên khác có thêm không gian thoải mái để chia sẻ các ý tưởng.

Bên cạnh đó, việc trao quyền cho các cá nhân cũng là một đặc điểm quan trọng, nhằm thúc đẩy khả năng học hỏi của tổ chức. Nói một cách khác, Tổ chức học hỏi tạo ra môi trường cho phép các cá nhân ra quyết định nhiều hơn và chịu ít sự kiểm soát hơn. Sự chịu trách nhiệm cũng chính là một động lực và là điều kiện khiến khả năng học hỏi của cá nhân cũng tốt hơn.

Trong vấn đề này, cách ghi nhận người khác của các lãnh đạo nữ cũng có xu hướng thân thiện và ít áp lực hơn so với các đồng nghiệp nam giới. Điều này cũng giúp họ dễ dàng xây dựng hình ảnh cá nhân giàu cảm xúc, bên cạnh tính quyết đoán cần có ở vai trò lãnh đạo.

Cách sống còn trong một thế giới đổi thay

Trong một bài viết về mô hình tổ chức học hỏi, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hải - Học viện Hành chính quốc gia đã chỉ ra những lợi ích cụ thể, đối với từng cá nhân, từng nhóm, cũng như cho toàn bộ doanh nghiệp. Dễ nhìn thấy nhất là sự thấu suốt về tầm nhìn chung, động lực chung của toàn bộ đội ngũ.

Nền kinh tế - xã hội đang có những bước thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là các yếu tố về công nghệ có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các tổ chức truyền thống. Trong bối cảnh này, tổ chức học tập mang đến khả năng chuyển đổi linh hoạt, gia tăng khả năng đáp ứng sự thay đổi của nhân sự trong tổ chức, cũng như chính bản thân tổ chức. Việc học hỏi giúp cho cá nhân có khả năng đa nhiệm tốt hơn và cấu trúc nhân sự của tổ chức có thể thay đổi linh hoạt – kịp thời hơn.

“Phụ nữ là những người lãnh đạo tuyệt vời, bởi vì chúng tôi dành thời gian lắng nghe, thay vì phản ứng. Chúng ta đánh giá cao mọi người và quan điểm của họ. Cho dù họ đúng hay sai, chúng tôi sẽ lắng nghe và đưa ra quyết định của mình. Phụ nữ có xu hướng cho mọi người cơ hội mà không ai khác làm được” – Jo Haumans – Chuyên gia Khai vấn Sự nghiệp và Lãnh đạo, tác giả cuốn sách “Go for it! A woman’s guide to Perseverance”.

“Ngày càng nhiều các kỹ năng làm việc bị “hết thời”, và cùng với đó là sự phát triển các kỹ năng mới được coi là “high-income skills” – các kỹ năng tạo ra thu nhập tốt hơn”, bà Đỗ Công Thanh – Chuyên gia Khai vấn nghề nghiệp (Career Coach) cho biết. “Các kỹ năng mềm chủ yếu tập trung vào giao tiếp con người với con người, khi các kỹ năng liên quan đến khai vấn, huấn luyện, đào tạo, kết nối,… ngày càng được đề cao, nhưng bản thân chúng cũng thay đổi từng ngày, theo bối cảnh của xã hội – đặc biệt là vấn đề thế hệ trong nhân sự”.

Trong điều kiện nền kinh tế - xã hội ngày càng nhạy cảm như hiện nay, không thể không đề cập đến yếu tố cuối cùng – nguyên lí thứ 5 của một tổ chức học tập – đó là mô hình tinh thần (Mental Models). Có thể hiểu rằng, tổ chức học tập không phải một mô hình “fix” cứng mà là một mô hình luôn luôn được quan sát, theo dõi, trao đổi, điều chỉnh. Mô hình này không chỉ tập trung vào hiệu suất thuần tuý, mà còn tập trung vào việc thấu hiểu khả năng thay đổi của cả yếu tố con người lẫn yếu tố môi trường. Các quyết định của tổ chức không đơn thuần chỉ nhắm tới “đích đến” mà luôn luôn cần sự linh hoạt và sẵn sàng thay đổi theo thời thế. Và, một lần nữa, rõ ràng là khả năng linh hoạt chuyển đổi lại là ưu thế của các lãnh đạo nữ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sức bền của lãnh đạo nữ trong khủng hoảng

    Sức bền của lãnh đạo nữ trong khủng hoảng

    10:15, 08/03/2023

  • 7 doanh nghiệp và 2 lãnh đạo nữ được trao Giải thưởng WEPs

    7 doanh nghiệp và 2 lãnh đạo nữ được trao Giải thưởng WEPs

    15:26, 26/11/2020

  • Khi lãnh đạo nữ quản lý… tiền!

    Khi lãnh đạo nữ quản lý… tiền!

    14:00, 18/11/2020

  • Lãnh đạo nữ đối mặtp/với “rào cản vô hình”

    Lãnh đạo nữ đối mặt với “rào cản vô hình”

    11:21, 13/06/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phụ nữ lãnh đạo & tổ chức học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO