Mặc dù đã có quy định để người dân nộp tiền bảo lãnh phương tiện không phải giam giữ tại bến dài ngày, tuy nhiên, thời gian vừa qua, quy định này vẫn chỉ nằm trên giấy...
Theo đó, từ ngày 01/5/2020, Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính chính thức có hiệu lực. Người vi phạm giao thông có thể được quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm nếu thực hiện nộp tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này vẫn chưa được đưa vào áp dụng, gần như hầu hết các phương tiện vi phạm vẫn bị giam tại bãi trông giữ.
Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6, Phòng CSGT Hà Nội (PC08) đang là đơn vị có số trường hợp xử phạt vi phạm luật giao thông theo tháng cao nhất so với các đội ở Hà Nội. Riêng trong tháng 5/2020, Đội CSGT số 6 xử phạt hơn 3.600 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, 72 trường hợp người vi phạm luật giao thông bị tạm giữ phương tiện. Hình thức tạm giữ xe ít nhất 7 ngày tại bãi trên địa bàn quận Long Biên.
Tương tự, trong tháng 5, Đội CSGT số 7 (PC08), cũng xử phạt 2.600 trường hợp vi phạm, trong đó có 86 trường hợp người vi phạm bị tạm giữ phương tiện. 1 ô tô, 1 xe ba bánh, 84 xe máy bị tạm giữ ít nhất 7 ngày và được di chuyển về bãi tạm giữ xe trên địa bàn quận Hà Đông.
Và trong danh sách các trường hợp người vi phạm giao thông đến mức phải tạm giữ phương tiện như đã nêu, chưa có trường hợp nào được xử lý bằng hình thức nộp tiền bảo lãnh theo quy định mới tại Nghị định số 31/2020/NĐ-CP.
Theo tìm hiểu của các cơ quan báo chí, không chỉ riêng Hà Nội, công tác xử phạt vi phạm giao thông tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, hầu hết các trường hợp vi phạm đến mức phải giam giữ phương tiện vẫn bị CSGT di chuyển xe về bãi để ra quyết định tạm giữ ít nhất 7 ngày.
Lý giải về thực trạng quy định nộp tiền bảo lãnh xe vi phạm chưa được thực hiện rộng rãi tại địa bàn tỉnh mình trên báo chí, đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT (PC08), Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thời gian qua, PC08 Thanh Hóa triển khai Nghị định 31, tuy nhiên người dân vẫn ít lựa chọn hình thức nộp phạt tiền bảo lãnh. Do nghị định nêu, người dân có quyền lựa chọn một trong hai hình thức xử phạt nên CSGT làm nhiệm vụ trên đường cũng không thể ép buộc.
Để đề xuất cho quy định nộp tiền bảo lãnh sớm đi vào thực tế, ông Chiến cho rằng, quy định mới chỉ đưa ra nội dung người dân có thể nộp tiền bảo lãnh rồi nhận lại phương tiện, chưa có quy định trong thời gian chờ làm thủ tục giải quyết vi phạm thì phương tiện đó sẽ được sử dụng thế nào?
Cũng liên quan đến vấn đề đã nêu, trả lời báo chí, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong khi chờ các hướng dẫn cụ thể hơn, để tạo điều kiện cho người vi phạm nhận xe ra sớm hơn 7 ngày, Phòng CSGT Hà Nôi đã yêu cầu các đội nghiệp vụ sau 2 ngày giữ xe phải giải quyết cho xin xe nếu người vi phạm đến làm thủ tục.
Có thể bạn quan tâm