Từng là "con chim đầu đàn" của tỉnh Quảng Ninh, giờ đây QNC đang đối mặt mới con số lỗ khổng lồ cùng nguy cơ mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Từ "con chim đầu đàn"
CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) tiền thân là Xí nghiệp than Uông Bí. Tháng 04/1998 UBND Tỉnh Quảng Ninh đã sát nhập một số đơn vị vào xí nghiệp Uông Bí để thành lập Công ty Xi măng và xây dựng Quảng Ninh. Ngày đầu thành lập Công ty có 03 đơn vị thành viên là Nhà máy Xi măng Uông Bí, Xí nghiệp Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, Xí nghiệp khai thác và chế biến than.
Tới khi chính thức thành lập Công ty xi măng và Xây dựng Quảng Ninh có các đơn vị trực thuộc Công ty gồm: Nhà máy Xi măng Lam Thạch, Nhà máy Xi măng Hà Tu, Xí nghiệp khai thác và chế biến Than Uông Bí, Xí nghiệp Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty Xi măng và xây dựng Quảng Ninh thành Công ty cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh.
Từ một đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh than, QNC đã mở rộng sản xuất kinh doanh đa ngành gồm sản xuất xi măng, sản xuất đá xây dựng, sản xuất than, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, kinh doanh xuất nhập khẩu…Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển không ngừng Công ty đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 10/01/2008 Cổ phiếu của Công ty chính thức niêm yết trên TT GDCK Hà Nội. Vốn điều lệ đến tháng 12/2008 là 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 10 năm lên sàn, QNC ngày càng làm ăn bết bát...
Đến doanh nghiệp "ôm" lỗ
Mới đây QNC đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với con số lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của DN này.
Theo đó, trong quý IV/2017, doanh số của QNC đạt 242 tỷ đồng (giảm gần 33% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, giá vốn của QNC ghi nhận đến 359 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 117 tỷ đồng. Trong khi công ty phải trả khoản lãi vay 35 tỷ đồng, cộng chi phí quản lý vẫn ở mức 26 tỷ đồng không giảm so với cùng kỳ.
Đáng nói, QNC kỳ này ghi nhận khoản chi phí bán hàng tăng cao kỷ lục lên mức 31,4 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước dẫn đến khoản lỗ ròng 215 tỷ đồng trong quý IV/2017.
Tính cả năm 2017, doanh số của QNC đạt mức 959 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với giá thành.
Trong quý IV/2017, chi phí bán hàng của QNC đội lên 105 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước cùng với các khoản chi phí lãi vay và chi phí quản lý cao đã khiến công ty lỗ ròng 240,4 tỷ đồng.
Đây là mức lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của DN này. Cùng với khoản lỗ ròng 65 tỷ đồng trong năm ngoái, QNC ghi nhận mức lỗ luỹ kế lên đến 304 tỷ đồng. Khoản lỗ này có lẽ đã ăn đứt vốn chủ sở hữu nếu QNC không kịp tăng vốn cổ phần từ 185 tỷ đồng lên 372 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Có thể nói, khoản lỗ của QNC không chỉ báo động về hoạt động đang suy thoái. Mà khả năng hoạt động liên tục và trả nợ của QNC cũng đang gặp vấn đề đáng báo động. Đáng nói, hiện QNC đang vay nợ tổng cộng hơn 860 tỷ đồng tại các ngân hàng, trong đó khoản vay lớn nhất thuộc về BIDV chi nhánh Quảng Ninh.
Trong năm 2017, QNC đã tăng vốn chủ sở hữu và cố gắng giảm bớt nợ. Dù vậy, tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của QNC vẫn ở mức cao lên đến 1.573 tỷ đồng, gần xấp xỉ tổng tài sản 1.652 tỷ đồng.
Không những vậy, trong báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ của QNC, Kiểm toán viên của Hãng Kiểm toán AASC đã đưa ra những con số thiếu xác tín về số liệu tài sản và hạch toán chi phí, lợi nhuận trên báo cáo tài chính. Đồng thời, hãng cũng đưa ra những quan ngại về năng lực trả nợ của Công ty này khi mà số nợ ngắn hạn, trong đó có 430 tỷ đồng nợ vay đang vượt năng lực thanh toán trong ngắn hạn của QNC.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QNC đã trải qua năm thứ 8 suy giảm nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi.