Các công trình ngang nhiên "mọc" trái phép nhưng chính quyền chỉ “phát hiện” khi “việc đã rồi”. Chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim” dường như là “chuyện thường ngày” đang xảy ra giữa lòng Thủ đô…
Theo thông tin từ lãnh đạo TP. Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2016 có 2.469 trường hợp vi phạm (chiếm 13,5%), năm 2017 có 1.916 trường hợp (chiếm 10,99%), năm 2018 có 1.065 trường hợp (chiếm 5,22%), 6 tháng đầu năm 2019 đã lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp... Tuy nhiên, trên thực tế thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại Thủ đô Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp.
Không khó để điểm ra hàng loạt những sai phạm “chình ình” ngay giữa lòng Thủ đô, chính quyền địa phương biết rõ, thậm chí có kiểm tra và thiết lập đầy đủ hồ sơ, biên bản vi phạm. Thế nhưng, việc xây dựng và hoàn thiện các công trình sai phạm này vẫn tiếp tục được diễn ra. Chính từ sự “làm ngơ” của một bộ phận không nhỏ cán bộ từ các cấp chính quyền, đã tiếp tay cho một số chủ đầu tư tạo ra những sai phạm “khổng lồ”, để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Những ngày qua, dư luận không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh “đổ nát” của công viên nước được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, hiện đại nhất Hà Nội. Theo đó, công trình này được xác định xây dựng nhằm mục đích phục vụ công cộng, khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng được hơn nửa năm đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm.
Điều đáng nói, đến lúc này cơ quan chức năng quận Hà Đông mới có động thái vào cuộc kiểm tra và xác định đây là công trình xây dựng không phép. Đến ngày 15,16/1/2020, Phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) triển khai kế hoạch tháo dỡ toàn bộ các công trình, theo Quyết định của UBND quận Hà Đông về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư về hành vi vi phạm trật tự xây dựng.
Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên được đầu tư hàng trăm tỉ đồng này đã bị phá hủy toàn bộ, nơi này chỉ còn là một đống “đổ nát”. Dư luận tiếc nuối và bức xúc khi cho rằng, tại sao chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” mà lãnh đạo UBND quận Hà Đông không biết để xử lý sai phạm ngay từ đầu? Tránh được việc phải “phá hủy” tài sản, lãng phí tiền của, bởi suy cho cùng tài sản của doanh nghiệp cũng là tài sản của xã hội.
Có thể bạn quan tâm
19:50, 14/02/2020
10:40, 12/02/2020
19:05, 11/02/2020
11:26, 07/01/2020
15:35, 15/01/2020
Ai cũng biết, nước ta có hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, thanh tra xây dựng từ Trung ương đến địa phương. Vậy các nhà chức trách ở đâu khi các công trình đó được xây dựng? Thực tế, vấn nạn xây dựng không phép, sai phép rộ lên, chính quyền các cấp đã vào cuộc, nhiều công trình bị cưỡng chế, không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Nhưng dường như sai phạm không giảm và có dấu hiệu nhờn luật, thậm chí coi thường pháp luật.
Thời gian gần đây, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh, ngay tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, tình trạng hàng nghìn mét đất tại phần đất lưu không sau khi hoàn thành dự án hồ Yên Sở, tại phường Yên Sở đang bị các cá nhân chiếm dụng, san lấp thành lập bến bãi tập kết vật liệu, hàng hóa, ngang nhiên xây dựng công trình kiên cố, cho thuê Gara ô tô,… thu lời bất chính.
Thế nhưng khi những thông tin trên được phản ánh trực tiếp đến các cấp lãnh đạo UBND phường Yên Sở và UBND quận Hoàng Mai thì quả bóng trách nhiệm lại được “đá xuôi, chuyền ngược”. Chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim” tiếp tục xảy ra tại địa phương này. Phải chăng, đợi đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng như sự việc tại công viên nước Thanh Hà, thì lãnh đạo quận Hoàng Mai mới có động thái vào cuộc kiểm tra để “tìm” sai phạm?
Thiết nghĩ, nếu các cơ quan chức năng thực thi đúng nhiệm vụ và xử lý nghiêm minh các sai phạm thì những “con voi” sẽ không thể chui lọt “lỗ kim” đến nực cười như thực tế quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương này.
Những ví dụ nêu trên chỉ là rất ít trong số những vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội thời gian gần đây. Rõ ràng, hệ quả của chúng thì nhãn tiền cả nhà nước, nhân dân và nhiều người trong cuộc đều có phần thiệt hại. Nhưng chắc hẳn nó phải mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó thì sai phạm mới có đất sống và tràn lan như một vấn nạn.
Xung quanh câu chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim” tại Hà Nội, báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng kính mời quý độc giả tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo: Quản lý trật tự xây dựng( Kỳ 2): “Lẩn khuất nhóm lợi ích”.