Quan ngại sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 09/04/2023 04:00

Ngoài sự lúng túng trong xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh, Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” cũng chỉ rõ, sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số…

>> Ổn định chính sách, tránh "phanh gấp"

Theo Báo cáo E-conomy SEA của Google, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đạt 23 tỷ USD năm 2020 và có thể lên tới 200 tỷ USD năm 2030. Và trong thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã ban hành nhiều chính sách quy định liên quan đến nền tảng số.

Ví dụ như: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định trách nhiệm của hệ thống thông tin giao dịch điện tử (trong đó có nền tảng số); Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định trách nhiệm của nền tảng số trong việc bảo vệ người tiêu dùng; Luật Điện ảnh 2022 và Dự thảo các văn bản hướng dẫn: quy định trách nhiệm của các nền tảng số với hoạt động cháy chiếu phim trên mạng; Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) 2022 và Dự thảo các văn bản hướng dẫn: quy định trách nhiệm thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của các nền tảng số.

Theo Báo cáo E-conomy SEA của Google, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực - Ảnh minh họa

Theo Báo cáo E-conomy SEA của Google, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực - Ảnh minh họa

Đánh giá về thực tế đã nêu, Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, việc đồng thời soạn thảo nhiều quy định về nền tảng số đã bộc lộ nhiều thách thức khi điều chỉnh vấn đề này. Đặc biệt là vấn đề chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản.

Theo VCCI, hiện nay, một số nền tảng số phổ biến đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như: mạng xã hội được quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP; sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP; nền tảng thanh toán điện tử tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP… và các quy định sửa đổi, bổ sung.

Các văn bản này đã quy định chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ của các nền tảng này từ cấp phép đến nghĩa vụ với người dùng. Tuy nhiên, việc ban hành nhiều văn bản cũng có nhược điểm khi các văn bản pháp luật khác nhau sử dụng nhiều tên gọi khác nhau, vốn được đặt theo chức năng, như sàn TMĐT (có hoạt động kinh doanh), mạng xã hội (có hoạt động giao tiếp, giải trí), nền tảng game (giải trí),… Để đáp ứng xu hướng và nhu cầu của thị trường, các nền tảng thường bổ sung thêm nhiều chức năng phụ, dẫn đến các giới hạn phân định trở lên mờ nhạt và không rõ ràng.

Ví dụ, trường hợp của sàn TMĐT và mạng xã hội, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã rất khó khăn phân định khi nào một mạng xã hội trở thành sàn TMĐT (khi có tính năng đăng quảng cáo hay chỉ khi có tính năng mua hàng?) và ngược lại sàn TMĐT có bị coi là mạng xã hội không (nếu cho phép người bán đăng bài, livestream)?

>> Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tuy nhiên, vẫn còn không ít quan ngại trong các quy định điều chỉnh tại các chính sách - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vẫn còn không ít quan ngại về sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh tại các chính sách - Ảnh minh họa

Dẫn chứng về vấn đề này, VCCI cho biết, Dự Luật Giao dịch điện tử và Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng dự kiến ban hành quy định điều chỉnh tổng thể dưới tên gọi chung “nền tảng số”. Như vậy, các tên gọi sàn TMĐT, mạng xã hội, nền tảng thanh toán,… sẽ được thống nhất dưới một cái ô quy định “nền tảng số”.

“Tuy nhiên, việc thay đổi cách tiếp cận, đồng thời lại soạn thảo nhiều Dự thảo (dưới sự chủ trì của nhiều Bộ khác nhau) cùng điều chỉnh vấn đề là một việc cực kỳ thách thức. Nếu các vấn đề cần được điều chỉnh không được phân định giữa các cơ quan soạn thảo, rất có thể dẫn đến nguy cơ chồng chéo, trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các văn bản đang soạn thảo với nhau, và cả với các quy định hiện hành”, VCCI đánh giá.

Cũng theo VCCI, nhìn vào Dự thảo Đề cương Nghị định quy định hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, có thể thấy rằng, văn bản này dự kiến rất nhiều nội dung về nền tảng số. Một điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là liệu các quy định này có tương thích với các quy định hiện hành, khi mà các quy định chủ đạo như bảo vệ người dung, kiểm duyệt, báo cáo đã đầy đủ và thực hiện ổn định trong nhiều năm qua? Các vấn đề này đang khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về nguy cơ quy định “chồng” quy định.

Chẳng hạn, Dự thảo Đề cương Nghị định yêu cầu các điều kiện hoạt động với nền tảng số, trong khi các nền tảng này đã được cấp phép theo các quy định chuyên ngành hiện hành, sẽ tạo ra sự chồng chéo về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

“Hay như Dự thảo Đề cương Nghị định dự tính quy định về nghĩa vụ của nền tảng số trung gian, chủ yếu liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP) đã dành nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua trên sàn TMĐT như: quy chế hoạt động, thu thập thông tin người bán, giải quyết tranh chấp, báo cáo,… Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng dành riêng một phần để quy định về nghĩa vụ của nền tảng số trong việc bảo vệ người tiêu dùng và đã bao gồm các nội dung như Dự thảo Đề cương Nghị định”, VCCI dẫn chứng.

Ngoài những vấn đề đã nêu, VCCI cũng cho rằng, dữ liệu cá nhân cũng là một nội dung dễ tạo chồng chéo khi Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng dành 6 Điều từ Điều 14 – Điều 19 để quy định về thông tin của người tiêu dùng, trong đó bao gồm cả dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Và Điều 8, Điều 10 Dự thảo Đề cương Nghị định dự tính quy định về vấn đề này.

“Các nội dung này có thể tạo nguy cơ chồng chéo với nhau và với quy định Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì soạn thảo”, VCCI nhìn nhận.

Từ các phân tích đã nêu, theo VCCI, dường như các cơ quan soạn thảo chưa thực sự phân định rõ ràng về việc văn bản luật nào sẽ điều chỉnh các nội dung gì, và do đó các quy định về nền tảng số vẫn có những điểm chồng lấn chưa được xử lý triệt để.

Bên cạnh sự chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản, một tình huống khác cũng được VCCI đưa ra trong Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” đó là văn bản hướng dẫn thiếu nhất quán với văn bản cao hơn.

Cụ thể, Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An ninh mạng quy định các doanh nghiệp trong nước phải lưu trữ dữ liệu (cá nhân) tại Việt Nam, trong khi, khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 41 Luật An ninh mạng chỉ đặt ra yêu cầu này với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp bối rối không biết mình có thuộc trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ này hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • MSB và Solv hợp tác giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn trên nền tảng số

    MSB và Solv hợp tác giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn trên nền tảng số

    12:00, 01/04/2023

  • Tài trợ thương mại xuyên biên giới trên nền tảng số

    Tài trợ thương mại xuyên biên giới trên nền tảng số

    04:00, 14/03/2023

  • Nâng sức cạnh tranh của báo chí với các nền tảng số

    Nâng sức cạnh tranh của báo chí với các nền tảng số

    13:44, 24/02/2023

  • Nền tảng số nâng cao năng lực ngành vận tải

    Nền tảng số nâng cao năng lực ngành vận tải

    02:30, 17/02/2023

  • Thúc đẩy kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trền nền tảng số

    Thúc đẩy kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trền nền tảng số

    05:49, 24/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quan ngại sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO