Chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có.
>>>Kinh tế báo chí sẽ "nở rộ"?
Ngày 24/2, tại TP Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Đây là một trong chuỗi hoạt động của dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024 nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hoà nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Tại diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, kinh tế báo chí là vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển và giúp báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
“Để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí” - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ cơ chế, chính sách chưa đủ nhanh và kịp thời.
Theo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại dịch COVID -19 làm trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí cũng như đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm. Từ tháng 7/2022, sau dịch COVID -19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng trước đó nhưng không mạnh.
Hiện nay nguồn thu của các cơ quan báo chí đa phần vẫn dựa khá nhiều vào quảng cáo nhưng nguồn thu này đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nguồn thu giảm, báo chí còn phải cạnh tranh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội ngày càng tăng. Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Đại diện lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ khó khăn khi nguồn thu của những cơ quan báo chí suy giảm trước xu hướng mới của thị trường truyền thông.
“Người ta xem video trên TikTok, lắng nghe tin tức từ facebook, giải trí bằng cách xem YouTube... Số người xem truyền hình, nghe phát thanh, đọc báo giấy đang ngày càng giảm. Ngân sách quảng cáo đang được các nhãn hàng dồn đưa về kỹ thuật số. Năm 2022, trong khi quảng cáo trên số tăng 22% thì quảng cáo truyền thống như truyền hình, phát thanh giảm 4%” - đại diện lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay.
>>>Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra lối đi đúng đắn
Cùng với việc sụt giảm nguồn thu, các cơ quan báo chí cũng đối mặt với một số thách thức lớn. Theo Cục Báo chí, trong bối cảnh hiện nay khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với 3 thách thức. Đó là cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng; thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của độc giả do công nghệ làm báo mới và định hướng dư luận xã hội, phát huy vai trò “dòng chảy chính” trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của các đại biểu đã trao đổi, đánh giá thêm về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta...
Các đại biểu đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: “chuyển đổi số báo chí” nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội; chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới...
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số, công nghệ cũng có vai trò quan trọng với kinh tế báo chí như thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác. Đồng thời kiến nghị Nhà nước có “cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách. Đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...
Có thể bạn quan tâm
Các cơ quan báo chí, truyền thông phải đảm đương sứ mệnh ngọn cờ tư tưởng
22:59, 09/11/2022
Đằng sau bản giao kèo bí mật giữa Facebook và Google để thống trị quảng cáo trực tuyến
17:08, 19/01/2021
Người ảo sẽ thống trị thế giới quảng cáo trực tuyến?
16:19, 02/11/2020
Influencer Marketing và Video Content “thống trị” ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam 2019
12:00, 25/02/2020
Ngành nào 'bạo tay chi tiêu' quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2019?
12:00, 24/02/2020
Ba điểm nhấn trong tương lai quảng cáo trực tuyến tại châu Á
04:26, 12/07/2019