Quảng Bình: Công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm

MINH CHÂU 24/06/2023 15:25

Tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của DN, nhà đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh.

>>Quảng Bình phát triển BHXH tự nguyện vượt bình quân chung cả nước

 Khu kinh tế Hòn La thu hút nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Khu kinh tế Hòn La thu hút nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình Phan Phong Phú khẳng định: đến năm 2030 tỉnh Quảng Bình quy hoạch 2 Khu kinh tế, 10 Khu công nghiệp và 38 Cụm công nghiệp với diện tích hơn 66.000 ha là nơi “hứa hẹn” đặt nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.

Đẩy mạnh phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp

Cụ thể, ông Phú cho biết, Khu kinh tế Hòn La (huyện Quảng Trạch) là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh đến năm 2030. Khu kinh tế Hòn La được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000 ha, định hướng phát triển thành KKT tổng hợp. “Với trọng tâm phát triển công nghiệp điện, công nghiệp hỗ trợ, cảng trung chuyển hàng hóa kết hợp phục vụ tàu du lịch, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác, đặc biệt kết nối chặt chẽ với KKT Vũng Áng theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình”, ông Phú nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Phú, các khu chức năng chính theo định hướng Quy hoạch chung đến năm 2040 của Khu kinh tế Hòn La bao gồm khu phi thuế quan phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tại chỗ như gia công tái chế, phân loại đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản kho tàng... và các hoạt động thương mại - dịch vụ khác.

Việc kinh doanh khu phi thuế quan sẽ gắn với việc đầu tư khai thác có hiệu quả cảng Hòn La để cùng với quốc lộ 1A, 12A, cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cầu Treo, Lao Bảo tạo thành cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Cảng, hậu cần cảng và Logistics bao gồm Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc và hình thành mới cảng tổng hợp đường sông tại phía Nam sông Roòn thuộc xã Quảng Tùng, mở rộng cảng cá tại xã Cảnh Dương.

Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng mở rộng âu thuyền tránh trú bão tại xã Quảng Phú kết hợp đóng, sửa chữa tàu thuyền. Bổ sung điểm neo đậu tránh trú bão phục vụ ngư dân tại xã Quảng Đông; Bố trí các bến thuyền du lịch tại khu vực mặt nước thuộc các xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân và tại Đảo Yến.

Được biết, để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư “sếu đầu đàn”, các khu, cụm công nghiệp bao gồm khu phức hợp năng lượng và điện lực Quảng Trạch có tổng diện tích khoảng 1.500 ha, hiện nay đã quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hạ tầng 3 KCN trong KKT Hòn La. Khu công nghiệp Cam Liên tỉnh Quảng Bình cũng đang được Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch 450ha tại huyện Lệ Thủy.

Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (huyện Minh Hóa) với tổng diện tích tự nhiên 53.923ha được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Đây sẽ là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh với Lào và Thái Lan. Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia. “Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là một trong những cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch năm 2022 đạt gần 2 tỷ USD”, ông Phú nói.

>>Giữ nhịp tăng trưởng cho Quảng Bình

Hóa giải điểm nghẽn

Tuy nhiên, nhiều khu công nghiệp (KCN) tại Quảng Bình đang có tỷ lệ lấp đầy thấp so với quy hoạch được phê duyệt, nguyên nhân do gặp khó trong giải phóng mặt bằng và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Sự hình thành và phát triển của các KCN không chỉ đóng góp lớn về xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, mà còn tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động và đóng góp cho ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ lấp đầy các KCN vẫn còn thấp so với quy mô và tiềm năng hiện có. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án tại các KCN ở Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách.

Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các KCN, khu kinh tế, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư với những đối tác, ngành nghề, dự án phù hợp với quy hoạch các KCN. Tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các KCN, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN. Đồng thời, tỉnh sẽ thay đổi quan điểm, tư duy về việc thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề chính như công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng để thu hút đầu tư, làm đổi thay diện mạo của địa phương, Quảng Bình đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều nỗ lực. Một Quảng Bình tiềm năng, an toàn và khác biệt đã được minh chứng qua quyết tâm đồng hành, chung vai sát cánh cùng nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn

    Quảng Bình: Cần cơ chế đặc biệt cho những dự án du lịch quy mô lớn

    02:00, 05/12/2022

  • Quảng Bình phát triển du lịch rừng

    Quảng Bình phát triển du lịch rừng

    03:00, 07/07/2022

  • Quảng Bình có tổ hợp giải trí, thể thao biển sôi động

    Quảng Bình có tổ hợp giải trí, thể thao biển sôi động

    15:04, 06/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Bình: Công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO