Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 1: Cuộc chiến giữ đất nơi miền Di sản Hội An

NGUYỄN HOÀNG 13/08/2023 03:17

Nhiều giải pháp kè chắn được đầu tư hàng trăm triệu USD đã "ném qua" vùng biển Cửa Đại nhưng đến nay vẫn không thể cứu bờ biển thoát khỏi sạt lở mỗi khi mùa mưa lũ về.

>>> Sạt lở ở biển Hội An “ăn” sâu vào nhà dân

>>>Liệu có tiếp tục "ném tiền" qua Cửa Đại Hội An?

Dọc theo bờ biển Cửa Đại Hội An dài hơn 3,3 km nếu nhìn từ trên cao là những đoạn lở loét ăn sâu vào đất liền hàng trăm m và được vá chằn vá đụp với nhiều phương án từ hơn 2 thập niên nay. Từ kè cứng đến kè mềm, nuôi bãi và lập đàn khẩn cầu gọi cát về. Hàng triệu tấn đá tảng lăn được đưa từ trên núi về kè chắn vẫn không cứu được những ngôi biệt thự kiên cố lần lượt trôi ra biển.

Lão ngư dân Nguyễn Công Hùng (87 tuổi) sống bên bờ Cửa Đại Hội An, đưa tay chỉ đoạn kè biển bị sóng đánh tan tành "than": bao đời nay, bà con ở làng biển này chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng đến vậy. Ngày xưa dọc theo bờ biển này là rừng dương phòng hộ bao bọc. Kể từ ngày chia tách tỉnh vào năm 1997, vệt rừng dương phòng hộ từ bờ biển từ Cửa Đại kéo dài ra đến Đà Nẵng, nhiều đoạn chiều ngang rừng dương từ mép biển vào sâu đất liền từ 300-1.000 m làm lá chắn tự nhiên chẳn kè chống gì mà bờ biển không bao giờ sạt lở.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại kéo dài khiến người dân, địa phương và doanh nghiệp hoang mang.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại kéo dài khiến người dân, địa phương và doanh nghiệp hoang mang.

"Mỗi mùa mưa bão, gió từ ngoài biển thổi vào, rồi sóng biển cao hàng chục mét cũng không hề hấn gì với lớp rừng dương phòng hộ. Nhiều ngôi làng ven biển vẫn bình an vô sự sau mỗi trận bão tố. Nhưng kể từ sau khi chia tách tỉnh, toàn bộ rừng dương liễu phòng hộ ven biển bị triệt hạ để phân lô xây dựng khu nghỉ dưỡng. Bắt đầu từ đó đến nay bờ biển bắt đầu sạt lở ăn sâu vào đất liền khiến nhiều khu nghỉ dưỡng đầu tư hàng trăm triệu USD trôi ra biển…", ông Hùng nói.

Ngay vệt bờ biển kéo từ cửa sông (cầu tàu đi Cù Lao Chàm) đến khách sạn Victoria gần 3,3km bị sóng biển tấn công khiến nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao lần lượng trôi ra biển giờ đây cửa đóng then cài. Những cơn sóng "giận dữ" ngày đêm tung nước quăng quật ầm ào vào những bờ kè cứng xi măng cốt thép dọc bờ giữa ngày gió, nắng nóng như muốn nuốt trôi những thứ mà con người  dựng nên bằng những khối bê tông vô tri vô giác nơi bờ biển này để bảo vệ những khu nghỉ dưỡng triệu USD.

Để cứu bờ biển này, đã có hàng chục cuộc hội thảo khoa học chuyên ngành được tổ chức để tìm ra nguyên nhân để khắc chế với hàng trăm triệu USD từ ngân sách, từ nguồn vốn vay và đầu tư của nhiều doanh nghiệp đã ném qua Cửa Đại hơn 2 thập kỷ qua vẫn chưa dừng lại.

Nhiều doanh nghiệp tự kè chắn theo cách riêng để tự bảo vệ tài sản của mình.

Nhiều doanh nghiệp tự kè chắn theo cách riêng để tự bảo vệ tài sản của mình.

Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn khi chứng kiến cảnh sạt lở bờ biển Cửa Đại khiến mất đất, các công trình hàng chục triệu USD trôi ra biển đã thừa nhận rằng: Con người khó có thể khắc chế tự nhiên. Có chăng chỉ làm giảm thiểu một phần nào đó. Như chuyện chống sạt lở bờ biển Cửa Đại Hội An suốt hơn 2 thập kỷ qua vẫn chưa thành công với nhiều giải pháp từ nuôi bãi, kè từ xa, kè cứng,  kè mềm, bơm cát nuôi bãi. Thậm chí người dân lập đàn cầu khấn gọi cát về vẫn vô vọng. Giữ được đoạn này thì đoạn kia sạt lở, suốt năm này qua năm khác lo chống đở vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để khắc chế tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng.

Nhiều cuộc điều tra, khảo sát của Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế thủy lợi miền Trung kéo dài nhiều năm nay đã thống kê chỉ trong 15 năm qua sau ngày chia tách tỉnh bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực sâu vào đất liền đến 200m. Một hệ thống giám sát, đánh giá, khảo nghiệm dòng chảy bờ biển của trường này lắp đặt từ năm 2015 cho thấy bờ biển tiếp tục sạt lở ngày càn dữ dội.

Trong một hội thảo ngày 25/2/2016 tại Palm Garden Resort nằm sát bờ biển Cửa Đại đang có nguy cơ bị sóng biển tấn công, PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ - kinh tế thủy lợi miền Trung (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) lắc đầu khẳng định: Đã có nhiều hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp chống sạt lở, nhưng chưa có phương án cuối cùng. Bởi đến thời điểm này các nhà khoa học đều chưa có số liệu cụ thể để đánh giá cơ chế sạt lở bờ biển Cửa Đại, nên rất khó để đưa ra giải pháp xử lý nào tốt nhất hiện nay.

Tình trạng sạt lở dọc bờ biển Cửa Đại đã cuốn trôi nhiều khu nghỉ dưỡng đầu tư hàng chục triệu USD, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhiều năm nay "án binh bất động" không thể mở cửa kinh doanh và tiếp tục "ném hàng triệu USD" xuống biển” để cứu khối tài sản đang dần trôi ra biển sau mỗi mùa mưa lũ. Còn các khu du lịch dọc biển khác đứng ngồi không yên, khi sóng biển ngày càng tấn công sát vào chân tường khu du lịch.

Để cứu khối tài sản đầu tư hàng chục triệu USD, nhiều doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra kè chắn sóng hay làm mọi cách để giữ bờ biển. Mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu kè không giống nhau, theo kiểu "rách đâu vá đó", đã khiến dòng sạt lở chuyển dịch theo nhiều hướng khác nhau, hiện tượng sạt lở tiếp tục lan dần về phía Bắc, đến bãi biển An Bàng khiến nhiều kè bảo vệ của khách sạn, nhà hàng bị cuốn trôi ra biển dù đã đầu tư hàng chục triệu USD vẫn không thể ngăn được những con sóng cuồng nộ gặp nhấm bờ biển mỗi ngày…

Bài 2: "Cuộc chiến" không hồi kết

Có thể bạn quan tâm

  • Bờ biển Quảng Nam sạt lở kéo dài, doanh nghiệp

    Bờ biển Quảng Nam sạt lở kéo dài, doanh nghiệp "ngại" đầu tư

    15:28, 12/03/2023

  • Biển Hội An lại sạt lở, “ngoặm” sâu vào cơ sở kinh doanh của người dân

    Biển Hội An lại sạt lở, “ngoặm” sâu vào cơ sở kinh doanh của người dân

    14:11, 22/10/2022

  • Núi Thành (Quảng Nam): Bờ biển Tam Hải bị sạt lở nghiêm trọng

    Núi Thành (Quảng Nam): Bờ biển Tam Hải bị sạt lở nghiêm trọng

    05:30, 23/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 1: Cuộc chiến giữ đất nơi miền Di sản Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO