Sau một thời gian kêu gọi đầu tư, vùng Đông Quảng Nam đang từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều dự án lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương địa phương.
>>Hội An nỗ lực đưa thương hiệu rau Trà Quế vươn xa
Là địa phương chú trọng thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đang đưa vùng Đông trở thành vùng trũng của đầu tư khi dư địa vẫn còn dồi dào. Trong các địa phương được lựa chọn để phát triển các dự án, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thời gian qua đã có nhiều thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội.
Phóng viên DĐDN trao đổi với ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, được biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực từ những chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh.
- Từ khi tỉnh Quảng Nam chủ động mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại khu vực, đồng thời là địa phương có diện tích GPMB lớn nhất đối với dự án Nam Hội An, ông nhận thấy có những sự biến chuyển như thế nào đối với tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua?
Từ những năm về trước, khi vùng Đông của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) được lựa chọn là khu vực đầu tiên thu hút đầu tư của cả vùng Đông Quảng Nam. Khu vực này trở thành khởi nguồn của vùng kinh tế mới Nam Hội An, trong đó các dự án thuộc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An được xem là động lực phát triển của khu vực.
Để hoàn thiện các dự án thúc đẩy kinh tế - xã hội, các đơn vị liên quan đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất sạch, hỗ trợ chính sách đầu tư,... để nhà đầu tư được thuận lợi hơn trong triển khai. Ngoài ra, sự ủng hộ của người dân địa phương cũng đã tạo điều kiện để phát triển các dự án.
Là địa phương có diện tích hơn 560ha (trong tổng 985ha) đất được quy hoạch phát triển các dự án, xã Duy Hải đang từng ngày thay đổi khi xuất hiện nhiều hơn các công trình lớn. Hạ tầng được chỉnh trang và hiện đại hơn so với ngày trước rất nhiều, "miền quê" đã sắp thành đô thị.
Từ là vùng sản xuất ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, địa phương đang dần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, trong đó dịch vụ, thương mại đang ngày càng được đẩy mạnh hơn. Việc các dự án đến địa phương đầu tư đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn phát triển, cơ sở hạ tầng, giao thông cũng từng ngày được nâng cấp.
- Vậy chủ đầu tư các dự án đã hỗ trợ người dân địa phương an cư, lập nghiệp thế nào, thưa ông?
Sau khi các dự án được triển khai, bộ phận người dân trong vùng quy hoạch đã được chủ đầu tư hỗ trợ thêm các chi phí trong việc GPMB vào khu vực tái định cư. Sau một thời gian di dời vào các khu vực tái định cư đời sống của người dân đã ổn định trở lại, công việc phát triển kinh tế cũng được người dân chú trọng hơn với nhiều ngành nghề mới lạ.
Thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2021 là 39.000.000 đồng/người/năm, tăng 4.700.000 so với năm 2020. Ngoài ra, chủ đầu tư còn đào tạo và nhận người dân địa phương vào làm việc ngay tại dự án. Các công việc hiện tại vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt hơn, các lao động trẻ tại địa phương cũng được phía Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam mở khóa dạy học golf miễn phí, sau khi hoàn thành khóa học sẽ được vào làm việc ngay trong dự án và nhận được mức lương ổn định. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh nên buộc phía dự án phải cắt giảm nhân sự khiến nhiều người bị ảnh hưởng.
- Được biết, công tác GPMB hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nguyên nhân là từ đâu, thưa ông?
Lúc ban đầu, người dân địa phương vẫn nghi ngờ về các dự án, tuy nhiên, sau một thời gian người dân cũng đã có cách nhìn tích cực hơn trong việc giải tỏa đền bù. Thông qua đó, khi đến địa điểm tái định cư người dân sẽ có nơi ở mới ổn định hơn, thuận lợi trong các hoạt động phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện tại quỹ đất để làm tái định cư vẫn còn hạn hẹp nên công tác GPMB đang có phần bị chững lại. Phía chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn vì lý do dịch bệnh nên chưa thể triển khai đồng bộ 1 lần.
Vì vậy, nhiều hộ dân mong muốn được di dời sớm để ổn định nhưng cũng đang chờ, khi nào có quỹ đất thì sẽ tiến hành bàn giao ngay. Là đơn vị hành chính cận dân, phía địa phương cũng đã có kiến nghị, đề xuất với chủ đầu tư cũng như các cấp thẩm quyền sớm triển khai việc GPMB, hoàn thiện các khu tái định cư để người dân an cư lập nghiệp. Đồng thời, sẵn sàng giao đất nếu người dân trong khu vực quy hoạch có nhu cầu di dời sớm.
- Cùng với các địa phương khác tại vùng Đông đang trên đà phát triển và cũng là địa phương trọng điểm của vùng, ông đặt những kỳ vọng nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư tại khu vực cho tương lai?
Trong quá trình vận động và phát triển của kinh tế - xã hội, cộng với những thành tựu đạt được của tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên trong những năm qua và những cơ hội từ các dự án lớn, trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh và huyện. Đặc biệt các dự án thuộc khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là những thuận lợi cơ bản, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.
Đồng thời, địa phương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các dự án lớn của tỉnh và Trung ương triển khai trên địa bàn huyện, nhất là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Đây là động lực để phát triển địa phương, người dân và chính quyền rất trông chờ vào "cú huých" này.
Có thể xem, vùng Đông là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển. Từ các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, vùng Đông sẽ trở thành khu vực đầy tiềm năng để phát triển đa dạng các dự án.
Song song với đó, việc phát triển trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung nói chung và phát triển vùng kinh tế vùng Đông sẽ là nguồn động lực lớn để khu vực phát triển. Đồng thời, đây cũng sẽ là điểm nhấn thu hút đầu tư cho khu vực.
Thông qua việc sở hữu lượng lớn "đất sạch" tại đây, tỉnh Quảng Nam sẽ tìm kiếm được các đơn vị, doanh nghiệp có quy mô, thương hiệu để tập trung triển khai, phát triển khu vực. Chắc chắn "da thịt" miền quê sẽ được thay đổi, phát triển ngang tầm với các đô thị hiện tại.
Ở góc độ địa phương, chính quyền cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước, hạn chế tái diễn tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tốc độ giá trị tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.
- Xin cảm ơn ông!