Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương liên quan.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường
Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng cho rằng: Tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất lớn. Các tỉnh, thành phố trong Vùng đều nhận thức ý nghĩa việc liên kết phát triển vùng là tất yếu, nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng.
Theo ông Cường, để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương liên quan, cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc kết nối liên kết phát triển vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng miền Trung.
Nhiều chính sách vẫn nằm trên giấy
Nhìn nhận về khó khăn, hạn chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bí thư tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhiều hoạt động liên kết kinh tế mang tính lâu dài vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác (Biên bản hay Thỏa thuận hợp tác) mà ít được triển khai trên thực tế; Phối hợp về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Hầu như chưa tạo được sự phối hợp cần thiết giữa các địa phương trong vùng hoặc giữa các tác nhân kinh tế trong nội bộ vùng với nhau trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành.
Đặc biệt, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng hiện chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phẩn bổ ngân sách, thu hút đầu tư, cấp tín dụng, quản trị không gian kinh tế, cấp giấy phép đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội vùng, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.
Theo đó, nguyên nhân của những khó khăn nói trên là do các tỉnh chưa coi trọng xứng đáng về mô hình tăng trưởng kinh tế vùng. Rào cản lớn nhất làm cho liên kết vùng chưa hiệu quả chính là lợi ích kinh tế của các địa phương được phân theo địa giới hành chính của mỗi địa phương.
Cùng với đó, do hiện nay thước đo chính cho thành tích phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không phải chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến cho các địa phương phải chạy đua về tăng trưởng GRDP, một số địa phương đưa ra tầm nhìn trong giới hạn địa giới hành chính và nhiệm kỳ của địa phương. Đây cũng là nguyên nhân chính giảm động cơ hợp tác, liên kết.
Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là thiếu cơ chế và tổ chức thích hợp điều phối quan hệ hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/06/2015 về việc thành lập Tổ chức Điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020, thế nhưng các quy định này vẫn tồn tại những hạn chế về chức năng, nhiệm vụ khiến mô hình Hội đồng vùng không thực chất và thiếu thực quyền, không thực sự thúc đẩy sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương.
Cùng với đó, hầu hết các công việc được triển khai chỉ dừng ở mức độ xây dựng Kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết, đề xuất các kiến nghị đối với Trung ương. Cũng như tính thống nhất trong công tác phối hợp và liên kết giữa các Thành viên Hội đồng vùng chưa cao, thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của Vùng đòi hỏi các Thành viên cần liên kết chặt chẽ hơn, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm về tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đầu tư dàn trải…
Có thể bạn quan tâm
10:59, 20/08/2019
09:47, 20/08/2019
05:15, 20/08/2019
02:08, 19/08/2019
17:26, 08/08/2019
Những đề xuất đáng lưu ý
Từ những dẫn chứng nói trên, ông Phan Việt Cường cho rằng để thực thi chính sách liên kết, phát triển vùng.
Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng KTTĐ miền Trung.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Cụ thể, cần ưu tiên đầu tư để hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc, khuyến khích các tỉnh, thành phố trong vùng thông qua cơ chế tự huy động nguồn vốn từ quỹ đất đô thị hóa để xây dựng và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; nâng cấp mở rộng các quốc lộ; nâng cấp các đường nối Quốc lộ 1A với Tây Nguyên và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2, mở rộng cửa khẩu Đắc-tà-óc thành cửa khẩu quốc tế, khơi thông sông Cổ Cò; cải tạo nâng cấp các cảng biển và các sân bay trong vùng; xây dựng trung tâm Logistics - Hậu cần biển cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung,…
Thứ ba, đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: Du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao... góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, sớm triển xây dựng quy hoạch Vùng KTTĐ miền Trung theo Luật Quy hoạch, trong thời gian chưa thực hiện được quy hoạch Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Hội đồng Vùng xây dựng các chương trình, kế hoạch tập trung vào các nội dung (i) Quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; (ii) đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng, nhất là hạ tầng giao thông; (iii) phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và ứng phó với biển đổi khí hậu,...
Thứ năm, xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa.
Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020, ông Cường đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện những nội dung nhiệm kỳ trước đang thực hiện dở dang, lựa chọn và đề xuất một số nội dung liên kết gắn với tiềm năng chung của các địa phương trong vùng để thực hiện.
“Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục đồng lòng, khắc phục những khó khăn, thách thức, cùng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trở thành vùng kinh tế động lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, xứng đáng vai trò là Vùng kinh tế trọng điểm mà Chính phủ đã lựa chọn”, ông Cường nhấn mạnh.