Do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; lãi suất ngân hàng tăng cao, nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cùng thiên tai "chà qua xát lại" và với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu những chính sách nhà nước không kịp thời tháo gỡ, hàng loạt doanh nghiệp phá sản là điều khó tránh khỏi.
Trong bản báo cáo tường trình “sức khỏe của doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong năm 2022, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Tấn Văn cho biết: "Đến thời điểm này đã có 919 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 217 doanh nghiệp giải thể".
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 970 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng. Cùng với đó là 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD.
Chỉ tỉnh trong năm 2022 có 60 dự án cấp phép mới, trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai có 07 dự án. Tổng nguồn vốn đăng ký là 8.890 tỷ đồng, trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai là 3.208 tỷ đồng.
Tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp khoảng 265.000 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022 đã có 12.664 lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Văn nhận định tình hình doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Đặc biệt bắt đầu từ đầu năm 2023 khi lãi suất ngân hàng tăng cao, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng nên gặp nhiều khó khăn. Hiện có 57 doanh nghiệp có nợ xấu với tổng nợ xấu là 741,13 tỷ đồng.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Thử cho biết, có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến động tỷ giá, lãi suất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn, giá vật tư tăng cao, thiếu nguyên liệu.
>> Cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam Trần Quốc Bảo cho rằng, đầu năm 2023 hai nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn nhất đó là bất động sản và du lịch. Đây là hai nhóm doanh nghiệp có nguy cơ và đang là “quả bom nổ chậm”. Vì vậy kiến nghị Ngân hàng nhà nước cơ cấu nợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng tình cùng ông Bảo, bà Mỹ Hạnh - Giám đốc ngân hàng Vietinbak chi nhánh Hội An cho rằng, với những ràng buộc về pháp lý, định chế và cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó khăn. “Ngân hàng và doanh nghiệp giờ đây đang đi chung một con thuyền, nếu cả hai không vững tay chèo vượt sóng thì cùng chết”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Cụ thể, doanh nghiệp đang cần vốn để đầu tư cho dự án. Nhưng đa số dự án kéo dài nhiều năm, thủ tục pháp lý chưa đầy đủ thì ngân hàng không thể cho vay. Đây là thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn.
Vì vậy, bà Hạnh cũng như nhiều đại diện doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án thì nhà băng mới có thể giải ngân. Đồng thời, cần cơ cấu nợ trên cơ sở xem xét “sức khỏe” từng nhóm doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Những kiến nghị của doanh nghiệp cũng như ngân hàng đến bao giờ được thực thi vẫn chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng, và giờ đây nhiều doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều công ty lâm nghiệp lo phá sản vì cháy rừng
22:17, 09/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát hoàn thiện chính sách đối với hoạt động chữ thập đỏ
21:43, 09/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Báo chí ưu tiên thời lượng phổ biến nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
21:49, 09/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Huy động đăng kiểm viên địa phương khác tăng cường cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
21:51, 09/03/2023