Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ mở rộng đô thị Tam Kỳ để hình thành trong tâm hành chính – kinh tế đặc biệt của địa phương, từng bước trở thành tỉnh phát triển khá.
>>Nếu vàng xuống 1.725 USD/ounce, mọi thứ sẽ trở nên "tồi tệ"
Trong dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, một nhân tố được tỉnh chú trọng của địa phương chính là việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính là TP. Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và huyện Núi Thành. Việc sáp nhập sẽ định hướng Tam Kỳ trở thành đô thị loại I, có ý nghĩa quan trọng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong phương án quy hoạch Quảng Nam sẽ chú trọng hình thành và phát triển đô thị loại I trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị hành chính TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành. Qua đó, tỉnh này sẽ đưa Tam Kỳ trở thành trung tâm hành chính – kinh tế quan trọng cấp vùng.
Song song với việc sáp nhập, tỉnh Quảng Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Địa phương này sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ quốc tế, trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực, trung tâm công nghiệp dược liệu, silica quốc gia…
“Hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2030, 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch”, ông Lê Trí Thanh nói.
Theo Chủ tịch Quảng Nam, mục tiêu đến năm 2050 tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, định hình rõ các đô thị chức năng với hạt nhân, động lực phát triển là trung tâm hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, di sản văn hóa thế giới.
Đồng thời, phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay; phát triển hiệu quả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…
Ông Trần Nam Hưng, Bí thư thành uỷ TP. Tam Kỳ cho rằng cần xác định rõ Quảng Nam đang nằm ở đâu trong vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Vị này nhấn mạnh trong thời gian tới, kinh tế biển sẽ là động lực phát triển, động lực đột phá cho các địa phương.
“Du lịch biển đang chiếm tỉ trọng lớn cho doanh thu, vậy Quảng Nam đang ở mức nào? Mỏ cá voi xanh, công nghiệp khí điện, tái tạo năng lượng,... là những lĩnh vực cần tập trung đầu tư trong thời gian tới”, ông Hưng đề xuất.
Theo định hướng, trong tương lai tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Đồng thời, địa phương cũng sẽ chú trọng phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia, khai thác hết giá trị sản phẩm dược liệu miền núi, trong đó có “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường khẳng định, quy hoạch địa phương phải đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội từ đồng bằng, hải đảo đến miền núi. Cùng với đó, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.
“Cần phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang, mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...”, ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Tại Quảng Nam, phương án sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh để phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm. Thời gian tới, về cơ chế đầu tư, tỉnh này vẫn tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 3 địa phương này, song phải đảm bảo lợi ích lâu dài, quy mô phù hợp, hài hòa, kịp thời điều chỉnh đối với các công trình nếu chưa phù hợp.
Có thể bạn quan tâm