Bất động sản

Quảng Nam: Nhiều dự án bất động sản bị chồng lấn ranh giới

Tuấn Vỹ 18/09/2024 15:51

Lãnh đạo Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho hay có đến 20 dự án bất động sản bị chồng lấn ranh giới với dự án nạo vét sông Cổ Cò chưa có phương án xử lý.

Theo tìm hiểu, Quảng Nam hiện nay đang triển khai 2 dự án để khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn. Trong đó, dự án thứ nhất là Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) được phê duyệt vào năm 2018.

Quy mô dự án là nạo vét đoạn sông từ km0 đến km14 đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng.

724ef77b829325cd7c82.jpg
Theo báo cáo, có đến 20 dự án bất động sản được xác định có chồng lấn ranh giới với dự án nạo vét sông Cổ Cò qua khu vực tỉnh Quảng Nam.

Cùng với đó là dự án thành phần HA/W3 nạo vét sông Cổ Cò được phê duyệt năm 2020, với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tại đây có 2 gói thầu gồm gói thầu HA/W3-1 Xây dựng cầu Thôn 3 có giá trị hợp đồng 273 tỷ đồng (đã hoàn thành) và gói thầu HA/W3-2 Nạo vét sông Cổ Cò (đoạn Km14 - Km19+456, ranh giới giữa Quảng Nam và Đà Nẵng) đã dừng kỹ thuật từ tháng 12/2023.

Tổng mức đầu tư cho các công trình, hạng mục liên quan sông Cổ Cò tại Quảng Nam đã lên đến 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn trong cảnh “tắc” vì gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Khi dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai, Thị xã Điện Bàn phát hiện có sự chồng lấn ranh giới với các dự án bất động sản đang phân bổ dọc theo 2 bên sông. Việc này khiến địa phương cũng như nhiều chủ đầu tư lúng túng trong việc xác định ranh giới và triển khai thi công dự án, giải phóng mặt bằng,...

a763fae5349992c7cb88.jpg
Việc chồng lấn ranh giới đã khiến địa phương gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng giao đất cho các nhà đầu tư.

Báo cáo mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho hay các vướng mắc của địa phương cũng xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án bất động sản. Nói về các dự án có ranh giới chồng lấn với dự án nạo vét sông Cổ Cò, theo bà Châu địa phương đã có báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam và đang chờ làm các cuộc làm việc giữa chủ đầu tư và các sở, ngành để thống nhất.

“Phải xác định ranh giới chống lấn từ đó mới xác định được diện tích cần giải phóng mặt bằng. Có 20 dự án được xác định có chồng lấn ranh giới”, bà Châu cho hay.

Nói về vấn đề này, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các đơn vị có thể “ngồi lại” với các nhà đầu tư để xác định diện tích điều chỉnh và thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo ông Hưng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án kinh doanh bất động sản là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương cấp huyện phải quan tâm thực hiện, xem đó là nhiệm vụ của địa phương.

“UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ bồi thường các dự án, khi các doanh nghiệp đã ứng đủ tiền bồi thường theo đề nghị của địa phương. Phải có biên bản giữa cấp huyện và chủ đầu tư về vấn đề này”, ông Hưng nói.

Về vấn đề chồng lấn ranh giới giữa các dự án bất động sản với dự án nạo vét sông Cổ Cò, ông Trần Nam Hưng cho rằng các chủ đầu tư cần chủ động làm việc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam để xác lập lại ranh giới cho chuẩn. Nếu có vướng mắc, các chủ đầu tư và Ban quản lý cần báo cáo để UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, xử lý.

Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết công tác giải phóng mặt bằng đang gặp phải vô vàn khó khăn, xuất phát từ năng lực của cơ quan làm công tác BT, Công tác quản lý hiện trạng và sự quyết liệt của địa phương. Cụ thể, vị này cho biết có những dự án gặp một số trường hợp vướng mắc đã được chính quyền địa phương và đơn vị làm công tác bồi thường họp giải quyết rất nhiều lần, thậm chí có những sự việc có đến hơn 5 thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo địa nhưng vẫn không giải quyết được, khiến dự án kéo dài.

Ngoài ra, còn có trường hợp bị ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Nhiều trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cách đây hơn 4 năm nhưng các hộ dân vẫn không nhận tiền bàn giao mặt bằng mặc dù chính quyền địa phương tổ chức đối thoại rất nhiều lần, các tổ chức đoàn thể tham gia vận động,…

“Vì vậy, cần nâng cao công tác phối hợp giữa Trung tâm phát triển quỹ đất và xã phường và Hội đồng thẩm định. Đồng thời, phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn địa phương, rút ngắn thời gian trong công tác xác định giá đất để thực hiện bồi thường, công tác xác nhận nguồn gốc đất, họp hội đồng xét tái định cư, lập phương án bồi thường...”, ông Bảo kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Nhiều dự án bất động sản bị chồng lấn ranh giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO