Kinh tế địa phương

Quảng Nam nỗ lực tìm “ánh sáng” cho cộng đồng doanh nghiệp

Tuấn Vỹ thực hiện 11/10/2024 19:35

Thời gian qua, Quảng Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tìm “ánh sáng sau giai đoạn khó khăn.

Ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay các hành động của địa phương đều được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và các đơn vị đang quyết tâm vượt qua khó khăn để đóng góp cho quê hương.

img_7471.jpg
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Thưa ông, theo ghi nhận thời gian quan tỉnh Quảng Nam đã có nhiều động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay như thế nào?

Qua các số liệu, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý III tăng 12,7%. Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt gần 91 nghìn tỷ đồng, mở rộng gần 08 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hệ lụy của tác động dịch Covid-19, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, giá cả năng lượng, một số nguyên liệu, lãi suất và lạm phát gia tăng kéo dài... dẫn đến phải ngừng hoạt động; tình hình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án trong nhiều năm qua được chỉ đạo quyết liệt. Tuy vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục trải qua bối cảnh khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn.

doanhnghiep(1).jpg
Hoạt động kinh doanh, sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp đang dần bình thường trở lại.

Tính đến ngày 27/9/2024, có 848 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,6% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký 4,68 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; 389 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ; doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong là 1.237 doanh nghiệp, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 1.298, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Vậy các doanh nghiệp đang đối mặt với các khó khăn thế nào, thưa ông?

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Qua số liệu có thể thấy, hàng loạt doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản vì khó khăn trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, du lịch.

Tại Quảng Nam, đến nay vẫn còn nhiều dự án bất động sản gặp nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, giao đất, ký quỹ,... Với nhóm xây dựng, những khó khăn về khan hiếm nguyên vật liệu, đơn giá xây dựng cũng như lực lượng nhân công. Với nhóm ngành còn lại đang đối mặt với những quy định về phòng cháy chữa cháy, lượng khách, mặt bằng,...

Ở góc độ Hiệp hội, đơn vị đã có những động thái cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trước tình hình trên, Hiệp hội đã chủ động rà soát, thu nhận kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo với lãnh đạo tỉnh, cùng với đó là kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực. Không chỉ là ở mức độ địa phương, Hiệp hội cũng đã báo cáo, kiến nghị trực tiếp với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để từng bước tháo gỡ, tìm ra “ánh sáng” để doanh nghiệp đứng dậy.

Đáp lại những quyết tâm của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh cũng đã tích cực làm việc, quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền để doanh nghiệp qua đoạn gian nan. Các vấn đề vượt thẩm quyền, lãnh đạo tỉnh cũng chủ động để báo cáo, xin ý kiến Trung ương để tìm phương án giải quyết. Và đặc biệt, cũng đã có nhiều bộ, ngành trả lời rành mạch, hướng dẫn cụ thể từ kiến nghị của Hiệp hội.

29e1b3d6e3b05aee03a1.jpg
Nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp nhóm bất động sản gặp khó khăn cũng dần được tháo gỡ.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang rất đồng lòng cùng với doanh nghiệp để sớm tháo gỡ những khó khăn mà cộng đồng đã gặp phải thời gian qua. Đến nay, đã có nhiều vấn đề lớn được tháo gỡ, đặc biệt là trong nhóm ngành bất động sản.

Từ 15 nhóm vấn đề kiến nghị từ đầu năm, đến nay đã có hơn 10 nhóm vấn đề đã có hướng giải quyết. Nhiều dự án đã được gia hạn tiến độ để tiếp tục triển khai, hoàn thiện dự án nhằm đưa vào sử dụng.

Xin ông cho biết thêm về những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Quảng Nam trong thời gian tới?

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân theo Thông báo số 757-TB/TU ngày 24/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Công văn số 3021/UBND-KTN ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh; nhất là các dự án trọng điểm, dự án bất động sản, du lịch,…sau khi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành, địa phương liên quan định kỳ hằng tháng tổng hợp các nội dung nêu trên, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã nhận thấy được sự quan tâm sát xao của lãnh đạo địa phương. Từng hành động tháo gỡ cũng chính là liều vắc-xin đi trực tiếp vào “cơ thể” doanh nghiệp, tiếp thêm động lực để cộng đồng đứng dậy, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Và doanh nghiệp tại Quảng Nam cũng đã thể hiện rất rõ khí chất của một người lính thời bình, tiếp tục “chiến đấu” không ngừng nghỉ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam nỗ lực tìm “ánh sáng” cho cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO