Để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tỉnh Quảng Nam đã xác định bảo vệ đa dạng sinh học là yếu tố quan trọng cần triển khai.
Là địa phương có ngành du lịch phát triển, Quảng Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội của ngành “công nghiệp không khói” này mang lại. Đặc biệt khi sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và hệ sinh thái đa dạng, du lịch Quảng Nam ngày càng được khách du lịch quốc tế và trong nước chú ý.
Tuy nhiên, trước nhiều tác động có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch, trong đó có thể tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường di sản, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”. Đặc biệt, đây cũng là địa phương đầu tiên xây dựng Bộ Tiêu chí Du lịch xanh để hướng đến ngành du lịch bền vững hơn.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và hình thành các cụm điểm du lịch có tính liên kết tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc của Quảng Nam
“Với quan điểm đó, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”. Từ những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm dựa trên sự khai thác những giá trị mang tính độc đáo của văn hóa, chủ động phát triển các sản phẩm theo hướng tự nhiên, ưu tiên các sản phẩm du lịch thân thiên với môi trường,...”, ông Sơn cho biết.
Đối với du lịch, vị này nhận định đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch. Theo ông Sơn, đa dạng sinh học nằm ở trung tâm của các sản phẩm du lịch dựa trên thiên nhiên – như ngắm động vật hoang dã, lặn biển hoặc du lịch trong các khu bảo tồn và thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường nếu được thực hiện một cách bền vững.
Ông Sơn cũng khẳng định đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững. Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, nâng cao ý thức gìn giữ, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Văn Bá Sơn phát triển du lịch tại Quảng Nam đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững. Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
"Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường, gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học,...”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận.
Điển hình tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hiện nay khu vực đang có hệ thống cồn, bãi, cây ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển - rạn san hô - rừng đang là các yếu tố phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Thời gian qua, công tác phát triển du lịch tại đây đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó yếu tố môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Đồng quản lý cho hay kết quả trên được hình thành từ việc đồng quản lý giữa 4 Nhà là Nhà nước (chính sách, cơ chế, thực thi pháp luật, tài chính), Nhà khoa học (ghiên cứu, đánh giá, tư vấn, đào tạo), Nhà doanh nghiệp (Đưa khách, giới thiệu), Nhà nông/ngư (thực hiện, giám sát, hưởng lợi).
Theo ông Vũ, thời gian qua tại Cù Lao Chàm đã thực hiện tối công tác truyền thông nâng cao nhận thức, giảm thiểu rác thải nhựa rất tốt. Cụ thể, từ việc tuyên truyền không vứt rác, phân loại rác tại nguồn, Cù Lao Chàm đã phát động chiến dịch nói không với túi nilon, giảm thiểu ống hút nhựa, giảm thiểu các sản phẩm nhựa dung 1 lần và đang hướng đến là cơ sở phục hồi tài nguyên.
Để làm được các việc trên, ông Vũ cho hay tại Cù Lao Chàm đã có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo sinh kế, phát triển sinh kế cộng đồng cho người dân địa phương để cùng hành động. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tích cực tuần tra – kiểm soát để quản lý hoạt động khai thác, nghiêm cứu khoa học kỹ thuận, tận dụng hợp tác trong nước, quốc tế để bảo vệ đa dạng sinh học.
“Cần có sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan phối hợp trong hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học gắn với du lịch. Đồng thời, các chương trình hoạt động triển khai cần có tính khả thi, tạo được niềm tin, có ý nghĩa về mặt thời điểm và lâu dài. Ngoài ra, rất cần có sự đồng lòng, chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp, du khách để thực hiện việc này”, ông Vũ nói.
TS Nguyễn Xuân Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viện Du lịch và Phát triển bền vững Việt Nam đề xuất tỉnh Quảng Nam cần áp dụng chiến lược phát triển du lịch không chỉ chú trọng vào tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Cụ thể, các hoạt động du lịch phải được kiểm soát để tránh gây tổn hại đến môi trường tự nhiên, cần khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái, vừa tăng cường nhận thức về bảo tồn thiên nhiên vừa tạo thu nhập bền vững.
“Đồng thời, Quảng Nam cần phát triển hạ tầng du lịch thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý rác thải và bảo vệ tài nguyên nước, cung cấp các dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách. Các khu vực như Cù Lao Chàm - Hội An có thể học hỏi từ những chiến lược marketing của các vườn quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, địa phương cần đầu tư vào chiến lược quảng bá gắn với thông điệp bảo tồn, khai thác các kênh truyền thông số và mạng xã hội để thu hút du khách quốc tế quan tâm đến du lịch xanh và bảo vệ môi trường”, TS Hải kiến nghị.