"Tỉnh sẽ quyết tâm bằng nhiệu biện pháp hỗ trợ để không chỉ nhà máy Sô-đa mà ngay nhà máy cồn Đại Tân trước đây đóng cửa sớm đi vào hoạt động. Đây là những nhà máy phụ trợ trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp mà Quảng Nam đang đầu tư phát triển”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa khẳng định khi nói về vụ việc Nhà máy Sô-đa Chu Lai tại Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng mới hoạt động đã phải đóng cửa.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nhà máy sô đa Chu Lai ngừng hoạt động. Cụ thể, bên cạnh sự cố môi trường chưa khắc phục thì một nguyên nhân khác không kém quan trọng đó là do tác động của sự cố giàn khoan 981 vì nhà máy này sử dụng dây chuyền thiết bị của Trung Quốc. Theo đó, vào tháng 5/2014 khi nhà máy chuẩn bị đưa vào vận hành thì hàng trăm chuyên gia, công nhân chuyên nghiệp của Trung Quốc tại nhà máy đang kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao công nghệ thì xảy ra sự cố Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gây căng thẳng tình hình nên tất cả chuyên gia, công nhân này đã bỏ về nước gây khó khăn rất nhiều cho quá trình vận hành nhà máy. Còn sau đó, do khó khăn về nhân lực, nguồn vốn nên sau khi vận hành một thời gian ngắn, nhà máy đã phải đóng cửa.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Quảng Nam phải báo cáo về vụ việc Nhà máy soda Chu Lai trước ngày 15/2/2018 về tình trạng nhà máy Sô-đa đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng ngừng hoạt động vì sự cố môi trường chưa được khắc phục bỏ hoang.
Theo Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Đỗ Xuân Diện: “Bằng mọi giá chúng tôi sẽ sớm đưa nhà máy Sô-đa Chu Lai đi vào hoạt động. Bởi đây là một trong những nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghiệp của Khu Kinh tế mở Chu Lai nói riêng và cả nước nói chung nên không có lý do nào để nhà máy Sô-đa đóng cửa trong khi nguyên liệu cho các nhà máy kính trong Khu kinh tế mở đang cần và nhập ngoại với giá rất cao”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để nhà máy hoạt động trở lại cần có khoảng 200 tỉ đồng khắc phục các sự cố môi trường và kỹ thuật vận hành. Tuy nhiên, ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Nam (ngân hàng đầu mối cho Nhà máy Soda Chu Lai vay vốn) khẳng định: “Chắc chắn có lối ra để vực dậy nhà máy Soda Chu lai”.
“Hiện giá Sô-đa dùng làm nguyên liệu cho nhà máy kính đang tăng chóng mặt. Giá Sô-đa tại nhà máy cách đây hơn 3 năm chỉ 190 USD/tấn, thì hiện nay đã tăng lên 360 USD/tấn. Do đó, nếu chủ đầu tư không tiếp tục đầu tư thì tỉnh Quảng Nam và các ngân hàng tài trợ vốn sẽ tìm đối tác khác có đầy đủ năng lực về tài chính để sớm đưa nhà máy Sô-đa vào hoạt động. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang xin đầu tư vào nhà máy Sô-đa nhưng do trong quá trình đàm phán nên chưa thể công bố”, ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank Quảng Nam khẳng định.