Những khó khăn như căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm nay khiến doanh nghiệp cũng như các cấp chính quyền chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều!
>>Hình thành trung tâm du lịch quốc tế tại Quảng Nam
Hàng chục cuộc gặp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp (DN) từ hơn 3 năm nay vẫn chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lần này, với cương vị người đứng đầu tỉnh Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã cùng với Ban Thường vụ tỉnh ủy nêu quan điểm: “Chấm dứt đùn đẩy trách nhiệm, không giữ vùng an toàn của cơ quan nhà nước, tạo ra rào cản không đáng có gây khó khăn cho DN".
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa được tổ chức tại Quảng Nam mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá: Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều lý do, cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, như: Thị trường, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, do chính sách, do tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), do sự lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của địa phương chưa kịp thời. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là các DN có liên quan đến việc sử dụng đất.
Quan điểm của ông Triết đưa ra ngay tại Hội nghị là yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với tinh thần cùng vào cuộc, tránh sự đùn đẩy, né tránh, tránh tư tưởng quá giữ vùng an toàn về phía cơ quan nhà nước, tạo ra rào cản không đáng có, tạo điều kiện khó khăn cho DN.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt hiệu quả, nói đi đôi với làm, Bí thư Tỉnh ủy đưa ra một số vấn đề căn cơ đó là: Tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng không hợp thức cho cái sai, không lặp lại cái sai nhưng phải tìm cách tháo gỡ để tránh lãng phí. Đảm bảo không làm thất thoát ngân sách nhà nước, đúng thẩm quyền. Thứ hai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ cho ý kiến mang tính chủ trương, còn tổ chức thực hiện thuộc trách nhiệm của chính quyền, HĐND, UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan để cụ thể hóa các chủ trương này.
Theo ông Triết, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những khó khăn của DN. Cái nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, pháp luật quy định thì tỉnh tiếp tục tham vấn; cái nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì có giải pháp khắc phục. Những cái mà pháp luật không quy định, không bắt buộc nhưng mình có quy định, mình tạo thêm thủ tục để xuất hiện những rào cản không đáng có cho DN, vì những rào cản đó mà DN gặp khó khăn thì phải loại bỏ. Cái nào chủ trương của tỉnh trước đây ban hành là phù hợp, nhưng nay không còn phù hợp nữa thì phải tháo bỏ. Ông Triết đề nghị, sau hội nghị phải xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan.
“Trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo gì, trách nhiệm của UBND tỉnh, HĐND, các địa phương, sở ngành thế nào phải chỉ rõ. Đi kèm với đó là sự đôn đốc, kiểm tra giám sát, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tránh tình trạng khi họp, khi hội nghị thì thảo luận rất quyết liệt, nhưng khi ra khỏi hội nghị thì đâu lại vào đó, không tạo ra chuyển biến gì thì đây là điều rất hạn chế” - Ông Triết nhấn mạnh.
>>Quảng Nam giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp cho từng đơn vị
"Mục tiêu đặt ra tại nhiều cuộc làm việc trước đó là tạo niềm tin cho DN. Chúng ta không thể tham vọng một ngày là có thể tháo gỡ hết khó khăn cho DN. Nhưng trước mắt, trong tầm tay thì tập trung giải quyết, mục tiêu là tạo ra sự chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho DN, để họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh". - Ông Triết nói thêm.
Những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đất đai được UBND Quảng Nam đưa ra đó là đất công ích 5% và đất theo hồ sơ là nhà nước quản lý, nhưng thực tế hiện nay người dân đang quản lý, sử dụng nên gây khó khăn cho công tác bồi thường, GPMB; đơn giá bồi thường nhà ở, kiến trúc, cây trồng, vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế.
Nhiều dự án tại một số vị trí người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung, hoặc đất nông nghiệp, đất vườn nhưng lại yêu cầu bồi thường như đất ở; có sự chồng lấn phạm vi bồi thường giữa các dự án, phương án GPMB chưa được phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã chi trả và thi công, làm mất hiện trạng; một số hộ dân không phối hợp trong quá trình kiểm kê, áp giá, một số trường hợp làm ăn xa hoặc không tìm được chủ sử dụng đất; nhiều trường hợp đề nghị bố trí tái định cư vượt quá quy định.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác GPMB còn hạn chế, kinh phí cho hoạt động thấp nhưng tính chất công việc khó khăn, phức tạp; một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính, công tác thẩm định, phê duyệt bản đồ trích đo địa chính chậm; Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị về địa vị pháp lý còn hạn chế…
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp vẫn gặp khó, lãnh đạo Sở Quảng Nam nói cần chia sẻ?
16:54, 02/04/2024
Doanh nghiệp Quảng Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thật sự phục hồi
10:56, 02/04/2024
Hình thành trung tâm du lịch quốc tế tại Quảng Nam
03:00, 01/04/2024
Quảng Nam giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp cho từng đơn vị
06:00, 31/03/2024
“Sức đề kháng” doanh nghiệp Quảng Nam vẫn đang yếu
01:00, 29/03/2024
“Gập ghềnh” cụm công nghiệp Quảng Nam
14:51, 28/03/2024