Quảng Nam tạo ra giá trị gia tăng từ khai thác dữ liệu số

NGUYỄN HOÀNG 12/10/2023 11:00

Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp để tạo lập và khai thác dữ liệu số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng từ khai thác dữ liệu số trong chiến lược phát triển.

>>Quảng Nam đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch

Theo báo cáo của cơ quan công an Quảng Nam, đến thời điểm này, Quảng Nam đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) cho mọi công dân đủ điều kiện trên địa bàn; đã cấp hơn 1,4 triệu thẻ CCCD có gắn chíp điện tử cho công dân; thường xuyên tiến hành thu thập, rà soát, cập nhật, đồng bộ nhân khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh lên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.

Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quảng Nam khẳng định: Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip đạt tỷ lệ 46,26% (886.455/1.916.164) lượt khám.

Việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân trên hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử đạt tỷ lệ 90,7% (1.542.490/ 1.695.186 người). Việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng đang được triển khai đồng bộ cùng nhiều tiện ích khác.

Nhiều hội thảo, chương trình tìm cách phát triển

Nhiều hội thảo, chương trình được Quảng Nam tổ chức để bàn cách khai thác dữ liệu số.

Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) Trương Thái Sơn cho biết, phát triển dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số (CĐS) tại Quảng Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là tỷ lệ các CSDL kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Quảng Nam (LGSP) còn thấp.

Cơ sở dữ liệu chủ yếu phục vụ hoạt động nội bộ của đơn vị, của ngành; công tác quản trị, chia sẻ dữ liệu chưa được quan tâm. Các ngành chủ quản CSDL chưa quan tâm xây dựng đặc tả cấu trúc dữ liệu, chuẩn dữ liệu, tài liệu kỹ thuật về chia sẻ dữ liệu.

Còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa xây dựng CSDL phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành. Việc quản lý dữ liệu chủ yếu còn trên giấy tờ, sổ sách, dữ liệu dạng văn bản, excel, chưa hình thành dữ liệu có cấu trúc…Đó là những vấn đề còn tồn tại được chỉ ra để tìm hướng xử lý.

Cùng phát triển dữ liệu số gặp không ít khó khăn liên quan đến cấp thượng tầng. Đó là một số tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu chuyên ngành chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

"Các CSDL nền quốc gia, các ứng dụng của một số bộ ngành Trung ương được triển khai ở địa phương, do địa phương tạo lập, nhập liệu nhưng đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng. Dữ liệu còn cát cứ, rời rạc, tính khả dụng của dữ liệu còn thấp" - ông Sơn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, năm 2022, Chính phủ xác định là năm “Đưa người dân lên nền tảng số”, còn năm 2023 chọn chủ đề là “Năm dữ liệu số quốc gia”. Dữ liệu số và nền tảng số là những thành tố cơ bản trong CĐS quốc gia, trong đó dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong CĐS, được xem là tài nguyên mới trong kỷ nguyên 4.0.

Mới đây, Quảng Nam vừa đưa vào vận hành Trung tâm

Mới đây, Quảng Nam vừa đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu - mạng diện rộng và Trung tâm giám sát an toàn thông tin.

Theo ông Hồ Quang Bửu, việc tạo lập và khai thác dữ liệu số giúp các ứng dụng hoạt động hiệu quả, hỗ trợ ra quyết định các cấp, hỗ trợ lập kế hoạch và phát triển, đối phó các thách thức xã hội, tối ưu các quy trình nội bộ, dự đoán phòng ngừa các nguy cơ rủi ro, góp phần nâng cao năng lực dự đoán phục vụ hoạch định chính sách, nâng cao năng lực phản hồi và tương tác với người dân. Đây là lợi ích thiết thực tạo giá trị gia tăng trong chiến lược phát triển kinh tế đồng bộ.

Những vấn đề về phát triển dữ liệu số cho Quảng Nam, ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng ban Cơ sở hạ tầng (Viện chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT) chia sẻ, chiến lược dữ liệu quốc gia bao gồm 5 quan điểm chính gồm: hạ tầng dữ liệu là cốt lõi, yếu tố then chốt cho CĐS; định hướng đột phá để tạo lập thị trường dữ liệu; tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là những người khó khăn; đảo đảm chủ quyền; phát triển dữ liệu Việt do người Việt tạo ra, từ đó chính người dân là người hưởng lợi từ dữ liệu mang lại.

Theo ông Hùng, định hướng phát triển dữ liệu số Quảng Nam để tiến tới chính quyền số, cần tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng cho cộng đồng người dân.Trong đó, trực tuyến dịch vụ công để thu thập dữ liệu và hoàn thiện nền tảng tương tác. Tạo lập kho dữ liệu số cán bộ công chức viên chức. Kết nối, truy xuất nguồn dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư để hình thành dữ liệu công dân số và triển khai các giải pháp theo dõi, đánh giá, chấm điểm công dân.

Đối với dữ liệu phát triển kinh tế số, theo ông Hùng đưa ra các kiến nghị, ứng dụng công nghệ số để phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương lên các sàn thương mại. Gắn thanh toán không dùng tiền mặt vào mọi mặt của cuộc sống và phát huy lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt...

Về dữ liệu phát triển xã hội số, cần tạo dựng công cụ kết nối người dân và chính quyền (nền tảng công dân số) để người dân thực sự gắn kết với chính quyền, trao đổi các thông tin hữu ích. Triển khai các hệ sinh thái y tế thông minh, giáo dục thông minh...Đây là những vấn đề căn cơ để tạo ra giá trị gia tăng từ khai thác dữ liệu số mà chính quyền Quảng Nam đã va đang triển khai thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Vận hành

    Vận hành "trái tim" của hệ thống chính quyền số Quảng Nam 1 triệu USD

    10:00, 12/10/2023

  • Doanh nghiệp Quảng Nam đóng ngân sách hơn 12 nghìn tỷ đồng

    Doanh nghiệp Quảng Nam đóng ngân sách hơn 12 nghìn tỷ đồng

    21:16, 10/10/2023

  • Quảng Nam muốn lậpp/trung tâm công nghiệp hỗ trợ

    Quảng Nam muốn lập trung tâm công nghiệp hỗ trợ

    14:45, 06/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam tạo ra giá trị gia tăng từ khai thác dữ liệu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO